Phân chia tài sản sau khi ly hôn
24/06/2017 09:57
Phân chia tài sản sau khi ly hôn. Tôi và chồng chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2000 đến nay, hiện chúng tôi có 2 con chung và tài sản chung là một chiếc ô tô đăng ký tên tôi và 500 triệu đồng. Nay chồng tôi ngoại tình và tôi muốn ly hôn vậy tài sản của chúng tôi sẽ được chia như thế nào vì về cơ bản việc kinh doanh để có tiền tích lũy và mua ô tô như ngày hôm nay đều do tôi đảm nhận chồng tôi chỉ ở nhà lo việc nhà. Và tôi cũng muốn các con được sống chung với mình.
Mong luật sư tư vấn.
Người gửi: Dấu tên
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo các thông tin mà chị đã cung cấp anh, chị đã chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2000 đến nay dẫn chiếu quy định của pháp luật vào trường hợp này thì: Hậu quả của việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình như sau:
"Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
– Về chia con chung:
Điều 15 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: "Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Theo đó trường hợp bạn không đăng ký kết hôn, giải quyết chia con chung vẫn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể là khoản 2 và khoản 3 Điều 81:
"2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy chị và chồng có thể thỏa thuận với chồng về việc nuôi con. Nếu không thỏa thuận thì theo quy định trên, nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ nuôi; con từ 7 tuổi trở lên sẽ được quyền chọn ở với cha hay với mẹ. Tòa cũng xem xét nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế, lối sống lành mạnh của cha mẹ… có thể để chị nuôi cả 2 con.
– Về chia tài sản chung:
Căn cứ theo Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
"1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Theo đó việc chia tài sản là ô tô và số tiền mặt 500 triệu đồng của chị về nguyên tắc nếu là tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; nếu là tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu tán giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
Như vậy, nếu chị có đầy đủ chứng cứ chứng minh chồng chị không đóng góp tạo dựng nên các tài sản ấy mà chỉ do một mình chị gây dựng, lúc này tài sản đó sẽ thuộc về chị. Nếu không thể chứng minh hoặc chứng cứ không đủ thuyết phục, tòa án sẽ phân chia tài sản theo công sức đóng góp của mỗi bên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Phân chia tài sản sau khi ly hôn”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!