Phải làm gì khi chồng không giao con cho vợ nuôi dưỡng?
23/06/2017 16:03Phải làm gì khi chồng không giao con cho vợ nuôi dưỡng mà theo bản án đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 02/06/2016, Tòa án giao hai con chung cho tôi nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trước khi có quyết định ly hôn, chồng tôi đã mang hai cháu về cho ông bà nội nuôi. Sau khi có bản án ly hôn chồng tôi không tự nguyện giao con cho tôi nuôi. Vậy mong luật sư tư vấn giúp trong trường hợp này tôi phải làm thế nào để có thể giành lại được hai cháu. Tôi xin cảm ơn! (Phamhongha…@gmail.com).
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn về câu hỏi phải làm gì khi chồng không giao con cho vợ nuôi dưỡng như sau:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
“Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Theo đó, trong trường hợp này, Tòa án đã có quyết định giao hai con cho bạn nuôi, bạn là người trực tiếp nuôi con. Bạn sẽ có các quyền là yêu cầu chồng bạn, cùng với bố mẹ chồng, các thành viên trong gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của bạn, những thành viên trong gia đình cùng chồng bạn là người không trực tiếp nuôi con không được cản trở việc nuôi con của bạn.
Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đã không thực hiện đúng theo bản án của Tòa án, đã không tự nguyện giao con cho bạn nuôi, thậm chí còn không cho bạn thăm con. Trong trường hợp này, bạn có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án, buộc chồng bạn phải giao con cho bạn là người trực tiếp nuôi con theo quy định của Tòa án.
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Do đó, hết 10 ngày kể từ ngày bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật mà chồng bạn không tự nguyện giao con cho bạn nuôi, chồng bạn sẽ bị cưỡng chế thi hành án.
Căn cứ Điều 120 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định:
"1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án."
Như vậy, trước khi thực hiện việc cưỡng chế giao chồng bạn để chồng bạn giao con cho bạn nuôi thì Chấp hành viên – người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án phải phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục chồng bạn giao con cho bạn nuôi theo như quyết định của Tòa án. Trong trường hợp, nếu thuyết phục không được thì chồng bạn và cả bố mẹ chồng của bạn sẽ bị phạt tiền, ấn định 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để chồng/ bố mẹ chồng bạn giao con cho bạn nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà vẫn không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao con hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Như vậy, để yêu cầu chồng bạn và gia đình chồng giao lại hai đứa con cho bạn nuôi, bạn cần làm hồ sơ yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định yêu cầu chồng và gia đình chồng bạn thực thi bản án. Bạn có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
– Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
– Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
– Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
– Nội dung yêu cầu thi hành án;
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
Trường hợp bạn trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định như trên, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi Phải làm gì khi chồng không giao con cho vợ nuôi dưỡng, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!