Nhận cấp dưỡng khi ly hôn ở đâu?
29/03/2017 16:22
Chào luật sư Bảo Chính. Tôi ở Cần Thơ, chồng tôi ở Gò Công, Tiền Giang, có kết hôn, vì anh không có trách nhiệm nuôi con, bỏ con khi chưa ra đời… nên nay tôi muốn ly hôn. Nhưng anh ấy và tôi không cùng hộ khẩu, hay đi xa, ít về địa phương. Vậy tôi phải gửi đơn ở đâu để được giải quyết ? Nếu tòa án ở đó giải quyết xong, tôi nhận cấp dưỡng ở đâu?
Trong thời gian chung sống anh hay đi xa và đã sống như vợ chồng với nhiều phụ nữ khác, có lần tôi bắt gặp và yêu cầu công an ở cao lãnh lập biên bản (tháng 7/2014) nhưng anh không khắc phục. Đến nay anh đã sống và có con riêng với người khác. tệ hơn, gia đình anh cũng chấp nhận cho cô ta về ở trong nhà. Vậy vấn đề này tôi có thể nêu chung trong đơn ly hôn không hay làm đơn riêng ? Chân thành cảm ơn luật sư.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Căn cứ vào Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Như vậy khi ly hôn đơn phương bạn là người làm đơn, không có sự hợp tác đồng ý từ phía chồng, vậy bạn phải có đủ căn cứ chứng minh mâu thuẫn mới thì được tòa án giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết của tòa án trong trường hợp này là tòa án nơi bị đơn là người chồng cư trú hoặc làm việc, cụ thể là tòa án ở Gò Công, Tiền Giang.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:
"Điều 35 Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;
d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam..."
Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ :
"Điều 39.Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ:
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Nếu vợ và chồng xin ly hôn thuận tình thì tòa án Huyện/quận nơi vợ hoặc chồng thảo thuận giải quyết đang sinh sống, cứ trú hoặc làm việc.
Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
Chồng bạn sẽ phải cấp dưỡng cho đến khi con bạn đã thành niên, nếu con bạn đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì chồng bạn vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."
Như vậy, nếu bạn và chồng có thể thỏa thuận được mức cấp dưỡng cho con thì Tòa sẽ chấp thuận mức cấp dưỡng mà hai vợ chồng đã thỏa thuận, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì Tòa sẽ căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của chồng bạn và nhu cầu thiết yếu của con bạn để ra quyết định về mức cấp dưỡng sao cho phù hợp.
Pháp luật không quy định nơi cấp dưỡng cụ thể, vậy nơi cấp dưỡng sẽ do hai vợ chồng thỏa thuận thực hiện.
Về hình thức xử phạt, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không quy định trực tiếp biện pháp xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên hành vi này được quy định chung tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Theo đó, hành vi “không thực hiện công việc phải làm… theo bản án, quyết định” của tòa án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.