Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014
12/05/2017 11:11Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014?
Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
Điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Vậy khi phát hiện việc kết hôn là trái pháp luật thì ai là người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?
Quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định cho các đối tượng tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó:
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật HN&GĐ 2014 không trao quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cho Viện Kiểm sát nhân dân nữa. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 không quy định quyền khởi kiện vụ án dân sự cho Viện kiểm sát nhân dân, do đó Viện kiểm sát không có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Việc bỏ quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân là phù hợp và thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Hơn nữa, Luật HN&GĐ 2014 cũng không chỉ rõ Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em (nay là Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em) là cơ quan có quyền như trước đây mà chỉ quy định chung thẩm quyền cho “Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình”, “Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em”. Điều này khiến cho quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật không chỉ bó hẹp ở một cơ quan mà nhiều cơ quan khác có nhiệm vụ tương tự, qua đó đảm bảo hơn quyền lợi cho người dân cũng như ngăn chặn, hạn chế các trường hợp kết hôn trái pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.