Người chồng có quyền nuôi con nhỏ sau khi ly hôn?
22/06/2017 14:28Người chồng có quyền nuôi con nhỏ sau khi ly hôn .Tôi và vợ tôi kết hôn năm 2013, tháng 8 năm 2014 thì vợ tôi sinh được một bé gái. Hiện nay, tình cảm vợ chồng đang rơi dần vào tình trạng đổ vỡ, vậy nếu li hôn thì tôi có được quyền nuôi con không (tình trạng sức khỏe và tâm lý của vợ tôi bình thường)? Nếu tôi không được quyền nuôi con thì sau này tôi có thể giành lại quyền nuôi con không? Và điều kiện để tôi có thể giành lại được quyền nuôi con là gì? Rất mong sự giúp đỡ của luật sư, xin chân thành cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Thứ 1: Về quyền nuôi con sau khi ly hôn
Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình con cái sau khi khi ly hôn sẽ được giải quyết như sau:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Theo đó thì việc nuôi con sau khi ly hôn sẽ do cha mẹ thỏa thuận với nhau, nhưng trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì được giao trực tiếp cho người mẹ nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc con.
Như vậy, con của bạn sẽ do vợ của bạn trực tiếp nuôi dưỡng .Và nếu bạn muốn tranh quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh vợ minh không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc con và bạn là người có những điều kiện nuôi con tốt hơn vợ mình
Thứ 2: Về việc giành lại quyền nuôi con sau khi Tòa án đã xử ly hôn và bản án đã có hiệu lực của pháp luật
Trong trường hợp này, để đòi lại quyền nuôi con từ vợ bạn, bạn phải khởi kiện một vụ án mới.
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Vì vậy, để giành lại quyền nuôi con, bạn có thể thỏa thuận lại với vợ cũ của bạn. Trường hợp không thỏa thuận được, bạn cần có chứng cứ chứng minh vợ cũ của bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về sức khỏe, học tập, tinh thần....) và bạn có đủ điều kiện để đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con hơn vợ cũ của bạn thì Tòa sẽ căn cứ vào đó xem xét để ra phán quyết. Trường hợp con bạn đủ 07 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của cháu.
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về nuôi con thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Nên để tiến hành thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con, bạn phải gửi đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi vợ cũ của bạn đang cư trú. Bạn có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Người chồng có quyền nuôi con sau khi ly hôn’’nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng !