Nghĩa vụ của cha, mẹ sau khi ly hôn
20/06/2017 08:42Nghĩa vụ của cha, mẹ sau khi ly hôn. Bố mẹ cháu vừa ly hôn, cháu quyết định ở với bố và Toà án đã chấp thuận. Trong đơn ly hôn mẹ cháu không yêu cầu chia tài sản. Căn nhà là tài sản chung mẹ đồng ý để lại cho hai anh em cháu ở cùng với bố. Nhưng gần đây, bố không chăm sóc chúng cháu, xin tiền đóng học cũng không cho, còn chửi bới. Cháu cũng không thể xin tiền mẹ vì mẹ đang trong hoàn cảnh khó khăn. Cháu phải làm gì trong trường hợp này? (Gửi bởi: diepvanxinh96@gmail.com)
Về nghĩa vụ của cha, mẹ sau khi ly hôn, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 81, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Trong trường hợp cha, mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 85 Luật này thì cha, mẹ sẽ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Cụ thể, tùy từng trường hợp, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, mẹ cháu và người thân thích trong gia đình cháu (ông, bà, cô, gì, chú, bác,…) được pháp luật trao quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha cháu nếu cha cháu có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Vì vậy, cháu nên trình bày sự việc với mẹ cháu hoặc người thân thích trong gia đình để có hướng xử lý phù hợp.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Nghĩa vụ của cha, mẹ sau khi ly hôn?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.