Muốn ly hôn nhanh vì thấy chung sống không hạnh phúc
31/03/2017 21:37Tôi sinh năm 1990 ở Quận Hà Đông, chồng tôi sinh năm 1987 ở Phúc Thọ. Tôi và chồng lấy nhau từ tháng 3 năm 2011 rồi về Phúc Thọ quê chồng ở. Tôi sinh đôi 2 bé gái ngày 16/8/2015 từ đó 3 mẹ con tôi ở nhờ nhà mẹ đẻ ở Hà Đông.Trong quá trình chung sống 2 vợ chồng cũng không có mâu thuẫn nào nghiêm trọng nhưng chúng tôi cảm thấy không hạnh phúc. Chồng không lo được cho vợ con nên chúng tôi thuận tình đưa ra quyết định ly hôn cho đối phương đi tìm hạnh phúc mới. Vậy luật sư có thể giúp tôi làm thủ tục ly hôn nhanh chóng được không ạ? (Nguyễn Yến - Hà Nội)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Việc cả hai vợ chồng bạn đều thuận tình ly hôn sẽ giúp cho việc ly hôn của vợ chồng bạn được nhanh chóng hơn. Bên cạnh việc cả 2 đều thống nhất ly hôn, vợ chồng bạn cũng cần thỏa thuận thống nhất về việc nuôi con và phân chia tài sản chung/nghĩa vụ chung của vợ chồng. Nếu như cả 2 vợ chồng bạn đều thỏa thuận được các vấn đề này, việc ly hôn của bạn sẽ không mất nhiều thời gian. Ngược lại, nếu như 2 vợ chồng bạn không thống nhất được việc nuôi con, cấp dưỡng, phân chia tài sản chung/nghĩa vụ chung của vợ chồng, việc ly hôn có thể kéo dài, bởi việc nuôi con và phân chia tài sản chung là vấn đề rắc rối trong vụ việc ly hôn.
Sau đây chúng tôi xin tư vấn cho chị về thủ tục thuận tình ly hôn:
1. Hồ sơ thuận tình ly hôn bao gồm:
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án nhân dân cấp huyện).
- Bản chính giấy chứng nhận đăng kí kết hôn của hai vợ chồng.
- Bản sao chứng thực giấy chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của 2 vợ chồng.
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con chung (nếu có).
- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chung của 2 vợ chồng: như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, sở hữu xe…
2. Về thời gian thụ lý vụ việc ly hôn:
- Sau khi vợ/chồng gửi hồ sơ xin ly hôn đến tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi 1 trong 2 vợ chồng cư trú, trong thời hạn 5 ngày làm việc tòa án sẽ kiểm tra đơn và gửi đến nguyên đơn thông báo nộp tạm ứng án phí.
- Sau khi nhận được thông báo tạm ứng án phí, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp biên lai tiền tạm ứng án phi cho Tòa án.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải. Nếu Hòa giải không thành, xét thấy 2 bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.
- Trong thời 7 ngày làm việc từ ngày hòa giải không thành (không thay đổi quyết định về việc ly hôn), nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
3. Về án phí của vụ việc ly hôn:
- Theo Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự: “Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”.
- Trong thời hạn 15 ngày từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí là 200.000 đồng (nếu không có tranh chấp về tài sản).
- Về tiền cấp dưỡng nuôi con:
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Việc quyết định mức cấp dưỡng thì Tòa án căn cứ vào sự tự nguyện của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện, Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng.Khi Tòa án quyết định mức tiền cấp dưỡngsẽ cân nhắc tới điều kiện của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, tình hình thực tế của đời sống sinh hoạt của cháu nhỏ; Tòa áncũngsẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.