Ly hôn vắng mặt
23/06/2017 14:13
Ly hôn vắng mặt ?. Tôi lấy vợ được 2 năm nhưng vợ tôi bỏ về ngoại và nói không quay lại nữa. Tôi đã quyết định viết đơn ly hôn nhưng nay không thể liên lạc được với cô ấy. Vậy cho tôi hỏi có thể ly hôn khi một bên vắng mặt được hay không?
Gửi bởi: Phan quang dieu
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Việc giải quyết đơn yêu cầu ly hôn được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 1: Thụ lý vụ án.
Sau khi bạn nộp đơn yêu cầu ly hôn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì Toà án sẽ tiến hành các bước để ra Thông báo thụ lý vụ án, đồng thời thông báo cho bị đơn về việc Toà án đã thụ lý vụ án. Trong vụ án ly hôn do bạn khởi kiện, vợ bạn có tư cách là bị đơn, có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 70 và Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong đó có: Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành; Tham gia phiên toà....
Bước 2: Hòa giải và chuẩn bị xét xử.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Tòa án sẽ gửi thông báo về việc tiến hành hòa giải cho nguyên đơn (bạn) và bị đơn (vợ bạn). Tuy nhiên, nếu vợ bạn với tư cách là bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì coi như vụ án ly hôn của vợ chồng bạn không tiến hành hoà giải được (theo khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2014).
Bước 3: Đưa vụ án ra xét xử.
Khi vụ án được đưa ra xét xử, vợ bạn có quyền và nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp vợ bạn với tư cách là bị đơn không tham gia phiên tòa khi được tòa án triệu tập thì xử lý theo quy định tại Điểm a, khoản 2, điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2014:
“ 1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật”;
Theo quy định nêu trên, khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vợ bạn vắng mặt tại phiên tòa thì vụ án ly hôn của vợ chồng bạn sẽ được Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt vợ bạn.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi Ly hôn vắng mặt, nếu còn vướng mắc cần tư vấn thêm hoặc cần được luật sư tư vấn trong các lĩnh vực khác thì vui lòng gọi 19006281
Trân trọng!