Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt đương sự
24/06/2017 08:28
Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt đương sự. Hiện tại em và vợ em đã quyết định ly hôn thuận tình. Em và vợ đăng ký hộ khẩu thường trú ở hai tỉnh khác nhau và làm việc tại nơi khác. Chúng em không có tài sản chung gì cả, có 1 con nhỏ 15 tháng tuổi, thỏa thuận cô ấy sẽ nuôi.
Bọn em ly hôn thuận tình có nhất thiết cả 2 phải có mặt ở tòa án huyện nơi 1 trong 2 người đăng ký hộ khẩu thường trú hay không?
Mong luật sư tư vấn giúp em thủ tục ly hôn để thuận tiện nhất cho em.
Người gửi: Nguyễn Tiến Thịnh (Hồ Chí Minh)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình như sau:
"Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Như vậy, theo thông tin như anh cung cấp là vợ chồng anh đều thuận tình ly hôn. Anh đang có thắc mắc là có nhất thiết cả 2 phải có mặt ở tòa án huyện nơi 1 trong 2 người đăng ký hộ khẩu thường trú hay không? Về việc có mặt tại phiên tòa thì luật có quy định như sau:
Theo quy định tại Khoản 15, Khoản 16 Điều 70 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về quyền, nghĩa vụ của các đương sự:
"15. Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.
16. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.”
Như vậy, về nguyên tắc, Tòa án chỉ giải quyết vụ việc khi có mặt đầy đủ các đương sự. Nếu đương sự vắng mặt có thể cử người đại diện theo ủy quyền, Nếu đương sự vắng mặt có thể cử người đại diện theo ủy quyền, theo Điều 85:
"1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
Theo quy định trên thì đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Do đó, trong trường hợp này, bạn bắt buộc phải tham gia phiên Tòa và không thể yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt đương sự”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!