Ly hôn đơn phương cần những thủ tục gì?
24/06/2017 11:05
Ly hôn đơn phương cần những thủ tục gì?Thưa anh/ chị tôi và chồng tôi đã ly thân được 6 năm rồi, hiện tại chồng tôi đang sống tại Bình Phước còn tôi và con gái đang sinh sống tại Bắc Ninh. Nay tôi muốn làm đơn xin ly hôn đơn phương thì cần những thủ tục nào?.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Hoàng Thị Gia Như (Bắc Ninh)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
-Theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
- Thủ tục ly hôn đơn phương bao gồm:+ Đơn xin ly hôn;
+ Bản sao giấy khai sinh của con(có chứng thực);
+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (có chứng thực);
+ Bản sao sổ hộ khẩu của vợ, chồng(có chứng thực);
+ Giấy đăng ký kết hôn của vợ, chống (bản gốc);
+ Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực);
- Thủ tục hòa giải
Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:"Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
–Như vậy, có thể thấy hòa giải là thủ tục không bắt buộc phải có mà chỉ là thủ tục khuyến khích.
- Thẩm quyền giải quyết
– Điều 33 luật tố tụng dân sự quy định:
"1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;”
– Như vậy, áp dụng quy định nêu trên thì chị cần nộp đơn tại tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã.
-Điểm a khoản 1 Điều 33 Luật tố tụng dân sự quy định:
"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
–Dẫn chiếu quy định nêu trên thì khi nộp đơn ly hôn chị cần nộp đơn tại tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã nơi chồng của chị đang cư trú, làm việc.Tuy nhiên, do hoàn cảnh của chị ở xa không thể đến chỗ chồng của chị để gửi đơn ly hôn được, thì trong trường hợp này chị có thể gửi đơn ly hôn thông qua đường bưu điện đến tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã nơi chồng của bạn cư trú, làm việc.Điều 167 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
"Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
1. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
2. Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;
3. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.”
- Giải quyết ly hôn vắng mặt chồng, Điều 200, 202 bộ luật tố tụng dân sự quy định:
Điều 200. Sự có mặt của bị đơn tại phiên toà
"1. Bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.
2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
Điều 202. Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà
"Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1. Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt.”
–Dẫn chiếu quy định nêu trên nếu như khi được tòa án triệu tập mà chồng của bạn vắng mặt có lí do chính đáng thì tòa án sẽ tạm hoãn phiên tòa, đến lần thứ hai được triệu tập hợp lệ mà tòa án vẫn vắng mặt thì tòa án sẽ giải quyết vắng mặt chồng của bạn.Tuy nhiên, để giải quyết nhanh chóng thì trong trường hợp nếu như có thể thỏa thuận được thì bạn nên yêu cầu chồng của bạn làm đơn xin tòa xử vắng mặt để tránh tình trạng phải hoãn phiên tòa làm tốn thời gian.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Ly hôn đơn phương cần những thủ tục gì?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!