Không có mặt tại tòa khi ly hôn được không/?
24/06/2017 09:20
Em không có mặt tại tòa khi ly hông được không? Việc của em như sau: Em lấy chồng năm 2012, có một con chung. Chồng em rất hay đánh đập 2 mẹ con, khiến em rất sợ hãi. Bây giờ em muốn ly hôn, vậy cho em hỏi :
Thứ nhất: Em nộp đơn ly hôn đơn phương nhưng em muốn vắng mặt khi Tòa xử có được không vì anh ta đe dọa đến tính mạng của em?
Thứ hai: Em muốn giành quyền nuôi con thì em phải có những giấy tờ gì?
Em xin cảm ơn!
(Ngô T L)
Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề bạn muốn vắng mặt khi Tòa tiến hành xét xử ly hôn:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2015 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Căn cứ theo khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2015 quy định Ly hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Căn cứ theo Điều 227 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng Xét Xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt.
Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì Xử lý như sau:
a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành Xét Xử vắng mặt họ;
c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành Xét Xử vắng mặt họ.”
Như vậy, khi bạn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì tòa sẽ tiến hành xét xử bình thường. Trường hợp bạn không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án.
Thứ hai, về quyền nuôi con:
Căn cứ theo Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Căn cứ theo điểm d Điều 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định về Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:
“d. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.”
Như vậy, để được nuôi con bạn cần chứng minh rằng bạn có đủ các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần cho con như hợp đồng lao động, bảng lương. Ngoài ra bạn còn có thể đưa ra các bằng chứng rằng chồng bạn là người vũ phu, hay sử dụng bạo lực, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn
Trường hợp chồng bạn đe dọa làm ảnh hưởng đến bạn thì bạn có thể làm đơn ra cơ quan công an để bảo về quyền cho bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về trường hợp của bạn Không có mặt tại tòa khi ly hôn được không/?, nếu cong thắc mắc hoặc muốn nghe luật sư tư vấn về các lĩnh vực pháp luật khác, bạn vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!