Không có hộ khẩu tại nhà chồng có ảnh hưởng đến việc chia tài sản khi ly hôn?
30/03/2017 10:51Hộ khẩu gia đình em gồm 4 người: Em, chồng em và 2 con chung. Em muốn tách ra khỏi hộ khẩu gia đình em để nhập vào hộ khẩu của mẹ ruột em, vậy sau khi ly hôn, có mất quyền lợi gì không? (Nguyễn Nam - Hà Nội)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Việc bạn muốn tách hộ khẩu gia đình để nhập vào hộ khẩu của mẹ ruột bạn không có ảnh hưởng gì đến quyền lợi về tài sản và con chung sau khi bạn ly hôn với chồng bạn cả. Theo quy định của pháp luật thì tài sản và con chung sau khi ly hôn được chia theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 92 và Điều 95 Luật hôn nhân gia đình như sau:
"Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác".
Như vậy sau khi ly hôn quyền nuôi con sẽ do hai vợ chồng bạn trực tiếp thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giao con trực tiếp cho một bên nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, con dưới 3 tuổi sẽ giao cho mẹ nuôi, con từ đủ 9 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc chia tài sản chung sau ly hôn được chia theo nguyên tắc sau:
"Điều 95.Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn:1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết".
Như vậy tài sản chung của hai vợ chồng sẽ do hai bên tự thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết về nguyên tắc tài sản riêng của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó, tài sản chung được chia đôi có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên.
Như vậy việc bạn tách hộ khẩu gia đình để nhập vào hộ khẩu của mẹ ruột bạn không có ảnh hưởng gì đến quyền lợi về tài sản và con chung sau khi bạn ly hôn với chồng bạn cả.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.