Giải quyết việc nhận con nuôi khi người nhận nuôi chết
31/03/2017 11:41
Chị gái tôi năm nay 35 tuổi và không lập gia đình, chị tôi đang làm thủ tục nhận nuôi một bé gái mới sinh không xác định được cha mẹ. Nhưng rất không may là trong khi làm hồ sơ và đang chờ giải quyết thì chị tôi đã bị tai nạn và mất khiến gia đình vô cùng thương tiếc, hiện tại thì cháu bé kia cũng không có người chăm sóc.
Vậy bây giờ tôi muốn cơ quan giải quyết vấn đề nhận cháu bé làm con nuôi của chị tôi và là người thừa kế của chị tôi, sau đó thì tôi sẽ là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Yêu cầu như vậy có được hay không, nếu không thì tình huống như của cháu bé thì tôi sẽ phải giải quyết như thế nào?
Tôi rất mong nhận được tư vấn của Luật sư.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo Điều 2 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về Mục đích nuôi con nuôi như sau:
"Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.”
Như vậy, mục đích của việc nuôi con nuôi là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người được nhận nuôi có một môi trường chăm sóc giáo dục… Tuy nhiên trong trường hợp của bạn thì chị gái của bạn đã mất, như vậy thì cháu bé được nhận nuôi sẽ không thể được chăm sóc bởi người mẹ nuôi do đó, mục đích của việc nhận con nuôi đã không còn và như vậy thì cơ quan giải quyết việc nhận nuôi con nuôi sẽ không tiếp tục giải quyết hồ sơ nhận nuôi cho chị gái của bạn nữa.
Có một cách giải quyết khác bạn có thể lựa chọn cân nhắc để giải quyết nếu bạn có mong muốn chăm sóc cháu bé, đó là việc bạn nhận cháu làm con nuôi của mình nếu như bạn thỏa mãn các điều kiện để nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định về Điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:
"1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.”
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.