Được đăng ký khai sinh cho con khi không có hộ khẩu không?
03/07/2017 20:43
Được đăng ký khai sinh cho con khi không có hộ khẩu không? Vợ chồng tôi lấy nhau từ đầu năm 2015 đến nay đã có 1 bé gái 18 tháng. Hiện tại tôi đang mang bầu được 2 tháng nhưng vợ chồng không hợp nhau nhiều lần chồng tôi đòi ly hôn và bắt tôi phá thai. Tiền nuôi con từ khi tôi sinh tới giờ chồng tôi không hề gửi cho tôi. Hiện tại hộ khẩu chung của gia đình chồng tôi giữ không cho tôi sử dụng, còn tôi thì đang sống và nuôi con tại nhà ngoại. Tôi có thể đăng kí khai sinh cho con theo nhà ngoại được không và nếu ly hôn tôi có quyền nuôi 2 con không?
Mong luật sư tư vấn giúp tôi với ạ !
(Đặng Huyền Trang – Hải Dương)
Với câu hỏi "Được đăng ký khai sinh cho con khi không có hộ khẩu không?" của bạn, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn như sau :
Căn cứ Điều 9, Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về các giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh:
"Điều 9. Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh
1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờtheo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ Tịch năm 2014 khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi làm thủ tục khai sinh cho con, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy chứng sinh do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp. Nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh làm giấy cam đoan việc sinh là có thực;
- Sổ Hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ. Trường hợp đã ly hôn thì mang hộ khẩu của người đi khai sinh;
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn. Nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha mẹ, không bắt buộc xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn;
- CMND/Hộ chiếu Việt Nam bản chính và bản photo của cha mẹ hoặc người đi làm thay;
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.
Từ những thông tin mà bạn cung cấp, trong trường hợp bạn không có hộ khẩu vì chồng giữ và không cho bạn sử dụng thì bạn vẫn có thể đăng ký khai sinh cho con. Bạn có thể sử dụng giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của bạn thay cho hộ khẩu thường trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND xã.
Về quyền nuôi con sau khi ly hôn :
Căn cứ vào Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Về mặt nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn trước hết do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin bạn cung cấp, hai con của bạn đều dưới 36 tháng tuổi. Căn cứ vào quy định nêu trên, bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con khi ly hôn (trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con).
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con, Tòa án có thể sẽ xem xét các yêu tố sau đây để đưa ra quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng:
- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi cho câu hỏi “Được đăng ký khai sinh cho con khi không có hộ khẩu không?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi về Công ty Luật Bảo Chính hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!