Đơn phương ly hôn khi vợ đang ở nước ngoài thủ tục như thế nào?
27/03/2017 16:01Chào luật sư, Hiện tại vợ tôi không sống tại Việt Nam và xác định không về nữa. Do đó, tôi muốn giải quyết li hôn theo một phía thì phải làm thế nào? Và cần những gì? Tôi chân thành cảm ơn!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo chính trả lời như sau:
Thứ nhất, về quyền ly hôn
Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trừ trường hợp vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền têu cầu ly hôn”
Thứ hai, xác định quan hệ hôn nhân
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện tại vợ bạn không sống tại Việt Nam và xác định là không quay về Việt Nam nữa (có nghĩa vợ bạn đang định cư ở nước ngoài) vậy có thể coi quan hệ hôn nhân của hai bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Tại Khoản 2, Điều 127 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam”.
Do đó, sẽ áp dụng pháp luật nước Việt Nam để giải quyết ly hôn.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.
Thứ ba, thủ tục ly hôn
Tại Khoản 1, Điều 56 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định: “Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Bạn cần phải hoàn tất các thủ tục sau:
Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp cấp tỉnh, thành phố nơi bạn cư trú (có thể nộp trực tiếp tại Tòa hoặc qua đường bưu điện). Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
1. Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
2. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
3. Sổ hộ khẩu, CMTND (bản sao chứng thực);
4. Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực - nếu có);
5. Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).
Sau khi nhận hồ sơ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí
Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính! Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi để chúng tôi tư vấn hoặc gọi 1900 6281 để nghe Luật sư tư vấn.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.