Đòi quyền nuôi con khi Tòa đã ra phán quyết nuôi con
23/06/2017 13:45
Đòi quyền nuôi con khi Tòa đã ra phán quyết nuôi con.
Cách đây gần 2 tháng vợ chồng tôi ly hôn, tòa xử mỗi người nuôi 1 đứa dù tôi đã đưa bằng chứng để chứng minh chồng tôi không có khả năng nuôi con. Chồng tôi nuôi cháu trai đang học lớp 1, tôi nuôi bé gái 3 tuổi. Kể từ khi tòa tuyên án thì gia đình chồng ngăn cản không cho tôi gặp con, và dặn cô giáo ở trường cấm không cho con trai tôi gặp mẹ. Tôi có gọi điện thoại nói chuyện với cháu, nguyện vọng của cháu là ở với mẹ. Mong luật sư cho tôi ý kiến tư vấn.
(lethithanhnhan85@gmail.com)
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy theo quy định của pháp luật khi Tòa đã tuyên bố vợ chồng bạn ly hôn thì bạn vẫn có quyền được thăm nom con mà không ai được cản trở.Cũng theo quy định trên thì khi hai vợ chồng ly hôn nếu con đã đủ 7 tuổi thì phải tôn trọng nguyện vọng của con được ở với ai.Nếu như khi Tòa án giải quyết ly hôn mà xem xét nguyện vọng ở với mẹ của con trai bạn thì sau 15 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực thì bạn có thể kháng cáo theo quy định tại Điều 372 Văn bản hợp nhất bộ luật tố tụng dân sự.”
Điều 372 Kháng nghị kháng cáo
“1. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định quy định tại Điều 368 và Điều 369 của Bộ luật này, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó; trường hợp đương sự không có mặt tại phiên họp Xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định đó. Đơn kháng cáo phải nêu rõ lý do và yêu cầu kháng cáo.
Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không thể kháng cáo trong thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn kháng cáo.
2. Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án quy định tại Điều 368 và Điều 369 của Bộ luật này.”
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là ba mươi ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Nếu như hết thời hạn kháng nghị kháng cáo theo quy định tại Điều 372 trên thì quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và bạn phải tuân thủ quyết định đấy và bạn vẫn có nghĩa vụ chăm sóc và được quyền thăm nom con mà không một ai được cản trở.
Trong trường hợp quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thì muốn dành lại quyền nuôi con thì bạn phải có được một trong các điều kiện theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
Như vậy thì để được quyền nuôi con bạn phải có thỏa thuận đồng ý của chồng cũ của bạn hoặc chồng cũ của bạn không còn đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng con thì bạn có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Đòi quyền nuôi con khi Tòa đã ra phán quyết nuôi con”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!