Cần làm gì để được nuôi con mười sáu tháng tuổi khi ly hôn?
31/03/2017 15:21
Thưa Luật sư, tôi muốn xin ý kiến về trường hợp chị dâu tôi bỏ nhà đi và đòi ly hôn như sau: anh trai tôi trong lúc nóng giận có tát chị dâu tôi mấy cái vì chị ấy nói dối anh trai và mẹ tôi (mẹ chồng) và trong lúc anh trai tôi hỏi thì chị lớn tiếng cãi lại. Sau đó, chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ để lại đứa con mới 14 tháng tuổi, đến hiện tại đã gần 2 tháng.
Thỉnh thoảng, chị cũng có về thăm con. Bây giờ, cháu đang sống với bố và ông bà nội - gia đình chị kiện xuống chính quyền xã nói anh tôi bạo lực gia đình. Nhưng sau khi hai bên tường trình khai báo thì chính quyền xã đã hòa giải bảo chị về sống và chăm sóc chồng con. Nhưng chị về nhà 1 lúc là lại bỏ đi. Kể từ hôm đó đến nay, gia đình tôi không ai chửi mắng hay xua đuổi chị. Bây giờ chị viết đơn ly hôn.
Vậy tôi xin công ty luật Bảo Chính có thể tư vấn giúp tôi quyền nuôi cháu 14 tháng (nay đã 16 tháng) thuộc về ai? Nếu chúng tôi muốn nuôi cháu thì cần làm gì? Việc anh tôi tát chị vi phạm luật như thế nào? Và so với việc chị ấy nói dối và cãi lời nên mới bị tát như vậy thì có bị coi là bạo lực gia đình không? (từ trước tới nay gia đình chưa bao giờ xích mích, anh ấy cũng chưa một lần tát hay đánh chị). Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của các vị tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
1. Làm thế nào để được nuôi cháu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì : "Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Như vậy, cháu bạn mới 16 tháng tuổi nên quyền nuôi con được ưu tiên cho người mẹ.
Tuy nhiên, nếu hai bên có thể thỏa thuận được và đồng ý để bố nuôi con thì gia đình bạn được quyền nuôi cháu. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án căn cứ vào các yếu tố để quyết định ai có quyền nuôi con để đảm bảo người con được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong điều kiện tốt nhất. Khi đó, gia đình bạn phải chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông non, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Các điều kiện này bao gồm điều kiện về kinh tế (thu nhập bình quân hàng tháng, mức ổn định nghề nghiệp,..), thời gian chăm sóc con, nhân phẩm, đạo đức của người cha, mẹ, tình cảm đối với con,...
Vì vậy, nếu gia đình bạn muốn được quyền nuôi cháu thì phải chứng minh được các yếu tố trên để đảm bảo người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc con.
2. Việc anh tôi tát chị tôi có vi phạm pháp luật không?
Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định:
"1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng."
Như vậy, anh bạn tát chị bạn thì bị xác định là hành vi bạo lực gia đình, cụ thể là hành vi đánh đập.
Tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ - CP quy định:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."
Theo như bạn cung cấp thông tin, anh bạn dùng tay tát vợ và đây là lần đầu tiên nên nếu có gây thương tích thì anh bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ - CP.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.