Bị bạo lực trong cuộc sống hôn nhân xử lý thế nào?
01/04/2017 09:20
Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp: Gia đình tôi có 4 anh chị em nhưng tất cả đều làm việc và có gia đình ở xa vì vậy chỉ còn cha mẹ sống ở quê. Nhưng cách đây khoảng 3 năm về trước mẹ tôi phát hiện cha tôi ngoại tình và đem sổ đất đi vay ngân hàng để nuôi gái bên ngoài.
Mẹ tôi phải làm việc vất vả để trả nợ đó. Ông ta có với người phụ nữ kia 1 người con và mẹ tôi phát hiện ra đã làm lớn chuyện và ông ta hứa sẽ bỏ nhưng thật ra từ đó đến hiên bây giờ trong khỏang thời gian đó ông ta vẫn còn liên hệ với người phụ nữ đó và về nhà đánh đập vợ. Mới đây nhất là ông ta đánh vợ tức mẹ tôi bị thương và mẹ tôi yêu cầu ly thân và ông ta co thể đi sống với người phụ nữ kia nhưng ông ta ko đồng ý. Ông ta buộc mẹ tôi ko đươc ly thân cũng như phải chăm sóc cho ông ta và đồng thời phải chấp nhận ông ta qua lại với người phụ nữ đó. Mẹ tôi ko đồng ý thì ông ta bóp cổ và uy hiếp sẽ giết chết nêu ko nge lời và có ý định bỏ ông ta. Mẹ tôi ko sống nổi vì ngoài người phụ nữ kia ông ta còn quan hệ bất chính với nhiều người khác. Mẹ tôi muốn đi đâu hoặc tới sống nhà chúng tôi là ông ta cũng uy hiếp sẽ giết chết và đưa người tình ông ta về sống. Ông ta công khai ngoại tình và đánh đập mẹ tôi. H mẹ tôi đang sống trong sự lo âu và sợ hãi nếu ông ta ko hài lòng thì sẽ bị giết nhất là vào ban đêm vì ko có con cái hay người thân ở chung nhà. Tôi là con nhưng ko bít giải quyết cách nào cho mẹ mình sống tốt hơn. Chúng tôi rất muốn ông ta và mẹ tôi ly thân phần ai nấy sống nhưng mẹ tôi rất sợ.
Vì vậy hôm nay tôi viết thư này kính mong công ty luật Bảo Chính hướng dẫn cũng như tư vấn cho tôi về cách giải quyết để mẹ tôi sống tốt hơn và có thể ly thân được với ông ta mà không bị uy hiếp về tính mạng vì mẹ tôi rất sợ ông ta. Ông ta trước kia đã tình giết mẹ tôi một lần nhưng không thành sự việc xảy ra từ lâu nhưng mẹ tôi vẫn bị ám ảnh. Và vấn đề thứ hai là nếu mẹ tôi làm di chúc phòng ngừa thì phải làm như thế nào. Tôi xin hết mong công ty Luật Bảo Chính có thể hồi âm sớm. Tôi xin cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Pháp luật hiện hành không có quy định về vấn đề "ly thân", để chấm dứt hôn nhân, Luật Hôn nhân và gia đình chỉ quy định về "ly hôn". Theo đó, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bố của bạn không đồng ý về vấn đề ly hôn, do đó, việc ly hôn của bố mẹ bạn được giải quyết theo trường hợp ly hôn đơn phương của mẹ bạn. Theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."
Do đó, việc ly hôn của mẹ bạn không nhất thiết phải có sự đồng ý của bố bạn. Về thủ tục ly hôn đơn phương:
Hồ sơ ly hôn, gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của các con ( nếu có, bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
+ Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu)
- Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân quận, huyện nơi thường trú của người ký đơn xin ly hôn.
Việc bố của bạn có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa giết mẹ của bạn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự về các tội sau:
Điều 110. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.
Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."
Như vậy, cơ quan điều tra sẽ dựa vào những chứng cứ thu thập được để xác định mức độ của từng hành vi cụ thể làm căn cứ cho Tòa án định tội và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn. Tuy nhiên, trước tiên, để chấm dứt những hành vi của bố bạn đối với mẹ bạn, bảo vệ mẹ của bạn, bạn hãy tố giác hành vi phạm tội của bố bạn với cơ quan công an nơi bố mẹ bạn cư trú theo quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự.
Về vấn đề mẹ của bạn muốn lập di chúc, tại Điều 627 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
"Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng".
Thông thường, việc lập di chúc được thực hiện dưới hình thức văn bản và được công chứng hoặc chứng thực. Nội dung của di chúc phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 631 BLDS 2015:
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhận được giải đáp hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.