Xử lý trách nhiệm thu hồi nợ của chi nhánh trong doanh nghiệp
07/08/2017 09:12Xử lý trách nhiệm thu hồi nợ của chi nhánh trong doanh nghiệp. Công ty A ủy quyền cho Chi nhánh của Công ty ký hợp đồng bán hàng và quy chế bán hàng quy định Giám đốc chi nhánh và cửa hàng trưởng (Cửa hàng là một địa điểm kinh doanh của chi nhánh) nếu bán hàng thì phải thu hồi được nợ đúng hạn theo hợp đồng, nếu không thì người nào quyết định bán hàng phải bỏ tiền cá nhân đền bù cho Công ty. Khi xảy ra nợ không thu hồi được đúng hạn, đồng thời các cá nhân (Giám đốc Chi nhánh và cửa hàng trưởng) không nộp tiền đền bù cho Công ty. Như vậy có thể tố giác ra cơ quan pháp luật là họ có dấu hiệu phạm tội gì?
Vì công ty A ủy quyền cho chi nhánh của công ty ký hợp đồng bán hàng nên giữa hai bên có giao kết ủy quyền.
Bộ luật dân sự 2015 có quy định Nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:
“Điều 565. Nghĩa vụ của bên được uỷ quyền
1. Thực hiện công việc theo uỷ quyền và báo cho bên uỷ quyền về việc thực hiện công việc đó.
2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện uỷ quyền về thời hạn, phạm vi uỷ quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi uỷ quyền.
3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc uỷ quyền.
4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền.
5. Giao lại cho bên uỷ quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc uỷ quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.”
Như vậy khi nhận ủy quyền của công ty kí hợp đồng với khách hàng thì bên chi nhánh phải thực hiện công việc ủy quyền, giao lại tiền nợ thu từ khách hàng kí hợp đồng, thực hiện đúng các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng ủy quyền. Nếu bên được ủy quyền không thực hiện đúng hợp đồng thì bạn có thể yêu cầu Tòa án có biện pháp buộc bên nhận ủy quyền đền bù theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Hơn nữa Giám đốc chi nhánh và cửa hàng trưởng là người lao động của công ty A nên phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp luật quy định cho người lao động tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động:
“2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.”
Cụ thể có quy định trong quy chế bán hàng là Giám đốc chi nhánh và cửa hàng trưởng (Cửa hàng là một địa điểm kinh doanh của chi nhánh) nếu bán hàng thì phải thu hồi được nợ đúng hạn theo hợp đồng, nếu không thu hồi được đúng hạn thì người nào quyết định bán hàng phải bỏ tiền cá nhân để đền bù cho Công ty. Như vậy việc tuân thủ quy định trên đối với người lao động trong công ty là bắt buộc, nếu các cá nhân này không nộp tiền đền bù cho công ty, người sử dụng lao động có thể tiến hành yêu cầu họ nộp tiền đền bù cho công ty hoặc có thể tiến hành yêu cầu Tòa án buộc họ đền bù cho công ty theo thỏa thuận.
Hành vi này của hai cá nhân (Giám đốc chi nhánh và cửa hàng trưởng) không cấu thành bất kì tội phạm gì (đây chỉ là một vụ việc dân sự), Công ty không thể tố giác họ ra cơ quan pháp luật nên để giải quyết trường hợp này hai bên có thể thỏa thuận với nhau về việc trả tiền đền bù hoặc nếu không được có thể yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm nghĩa vụ thực hiện bồi thường.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi "Xử lý trách nhiệm thu hồi nợ của chi nhánh trong doanh nghiệp" của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất.