Vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc bị xử lý thế nào?
19/07/2017 16:10
Vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc bị xử lý thế nào?
Tôi sử dụng xe ô tô của tôi để vận chuyển than cho ông a, khi cơ quan công an kiểm tra tôi không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc về toàn bộ số than trên xe của tôi mà tôi chở cho ông a. Vậy xe của tôi có bị tịch thu sung vào quỹ nhà nước hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn! (Gửi bởi: vytieubaoth@gmail.com)
Về vận chuyển hàng không có nguồn gốc, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, thì bạn chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng giúp ông A, tuy nhiên bạn không chứng minh được mình cung cấp dịch vụ cho ông A, nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tang vật để xử phạt bạn với hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vận chuyển hàng không có nguồn gốc xuất xứ tùy theo thông tin có được của cơ quan công an.
Tại điểm c, khoản 1, Điều 21, Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì bạn sẽ bị xử phạt với hành vi "Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ"
Tại khoản 19, Điều 1, của nghị định 124/2015/NĐ-CP thì bạn sẽ bị xử phạt về hành vi “đ) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.”
Tùy theo giá trị của lô hàng mà mức xử phạt được quy định chi tiết tại Điều 21 của Nghị định 85/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 21. Hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
10. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
11. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
12. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
14. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
15. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này."
Về trả lời câu hỏi: Xe của bạn có bị tịch thu, xung công quỹ hay không?
Khoản 20, Điều 1 của nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi lại điểm b, khoản 14 Điều 21 của nghị định 185/2013/NĐ-CP :
20. Sửa đổi Điểm b Khoản 14 Điều 21 như sau:
“b) Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.”
Như vậy, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiên vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 21 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP là "b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa"
Hành vi vi phạm của bạn sẽ không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này nên bạn sẽ không bị tịch thu xe.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc bị xử lý thế nào?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!