Ưu, nhược điểm của công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên?
21/07/2017 16:41Ưu, nhược điểm của công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên? Hiện tại tôi muốn thành lập 1 doanh nghiệp may mặc nhưng đang phân vẫn giữa việc nên chọn loại hình công ty nào, vì bản thân tôi thấy thủ tục của công ty TNHH 2 thành viên đơn giản hơn nhưng doanh nghiệp tôi lại có nhiều người cùng góp vốn. Việc quản lý điều hành loại hình DN nào sẽ tốt hơn đối với công ty chưa có kinh nghiệm. Liệu công ty luật Bảo Chính có dịch vụ tư vấn trực tiếp và hợp tác với doanh nghiệp theo dạng liên kết hay không và tôi có thể tới văn phòng của công ty ở đâu?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Công ty cổ phần: là loại hình đặc trưng của công ty đổi vốn, vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi à cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu. Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty cổ phần như sau:
"Điều 110. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn."
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là loại hình công ty gồm tối thiểu 2 thành viên và tối đa không quá 50 thành viên góp vốn thành lập và ty chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ công ty bằng tài chính của mình. Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty TNHH 2 thành viên như sau:
"Điều 47. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần."
- Ưu điểm của hai loại hình: công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên
+ Công ty cổ phần:
Thành viên công ty cổ phần: "Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa" (Điểm b Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014)
Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần: là trách nhiệm hữu hạn, "Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;" (Điểm c Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014) nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao;
Cơ cấu vốn của Công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
Khả năng huy động vốn của Công ty cổ phần rất cao, thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng: "Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn" (Khoản 3 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014).
Chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng: "Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này." (Điểm d Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014). Do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của Công ty cổ phần (đối với công ty Đại chúng, công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán thì chỉ có công ty cổ phần mới có quyền này).
"Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp." (Khoản 2 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014)
+ Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Doanh nghiệp có nhiều thành viên nhưng làm chủ sở hữu không được quá 50 thành viên theo quy định: "Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50" (Điểm a Khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2014).
Chế độ trách nhiệm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên: "Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này" (Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2014).
Chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên được luật pháp quy định khá chặt chẽ "Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này" (Điểm c Khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2014) nên nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty.
"Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" (Khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2014)
- Nhược điểm của hai loại hình: công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên
+ Công ty cổ phần:
Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích
Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.
Do công ty cổ phần không hạn chế cổ đông do đó dễ có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn.
Việc thành lập công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc bởi pháp luật về chế độ tài chính, kế toán.
Đối với công ty cổ phần sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
+ Công ty TNHH 2 thành viên:
"Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần" (Khoản 3 Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2014) để huy động vốn.
Chịu sự quản lý của pháp luật chặt chẽ hơn so với các công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.
Đối với một số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên khiến cho nhiều đối tác và khách hàng không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra mà họ phải chịu.
Chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH 2 thành viên được quy định chặt chẽ theo Điều 53 Luật doanh nghiệp năm 2014.
"Điều 53. Chuyển nhượng phần vốn góp
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
3. Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng."
Như vậy, từ việc đưa ra những ưu điểm và nhược điểm của hai loại hình công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên sẽ giúp bạn lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện và mục đích kinh doanh của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Ưu nhược điểm của công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!