Tư vấn cổ đông có nên ủy quyền cho người khác nắm giữ cổ phần của mình hay không như thế nào ?
09/05/2017 14:55
Tôi có 1 vấn đề liên quan đến cổ phần nhưng chưa hiểu nên muốn nhờ luật sư tư vấn giúp: Chồng tôi đã từng làm công nhân trong 1 công ty cổ phần và hiện giờ tuy chồng tôi đã nghỉ việc nhưng vẫn nộp bảo hiểm tại công ty đó và vẫn còn 1 số cổ phần trong công ty đó.
Hiện nay do công ty làm ăn thua lỗ nên 1 số cổ đông đã nghỉ hưu đang vận động huy động cổ phần mua hoặc ủy quyền để tổ chức Đại hội cổ đông bầu lại tổng giám đốc. Chồng tôi sẽ không bán cổ phần nhưng đang rất phân vân chưa biết có nên ủy quyền không?
Nếu những cổ đông kia huy động đủ cổ phần (51%) và tổ chức đại hội nhưng chồng tôi không tham gia ủy quyền thì nếu sau này thay giám đốc mới có ảnh hưởng gì đến công việc và quyền lợi cá nhân không?
Còn ủy quyền thì có ảnh hưởng gì đến cổ phần của mình không?
Nếu như những cổ đông đó không huy động đủ cổ phiếu để đại hội thì cổ phần của chồng tôi sẽ ra sao? Có được trả lại không?
Những thông tin về cổ đông đã tham gia ủy quyền (theo luật) có được bảo mật không ?
Rất mong luật sư tư vấn gấp và cho lời khuyên về vấn đề trên ạ.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì người lao động được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp:
Thứ nhất: Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa:
- Được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước;
- Với giá bán bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc
- Bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược trước).
Thứ hai: Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 03 năm(kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) sẽ được mua thêm cổ phần ưu đãi theo quy định sau:
- Mua thêm theo mức 200 cổ phần/01 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 2.000 cổ phần cho một người lao động.
- Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao làm việc tại doanh nghiệp được mua thêm theo mức 500 cổ phần/01 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần cho một người lao động. Doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ đặc thù ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình xây dựng và quyết định các tiêu chí để xác định chuyên gia giỏi, có trình độ nghiệp vụ cao và phải được nhất trí thông qua tại Đại hội công nhân viên chức của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.
- Giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động mua thêm được xác định là giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc bằng giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược trước).
- Mỗi một người lao động chỉ được hưởng quyền mua thêm cổ phần ưu đãi theo một mức xác định nêu trên.
- Số cổ phiếu ưu đãi người lao động mua thêm quy định được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông sau khi kết thúc thời gian cam kết.
- Trường hợp công ty cổ phần thực hiện tái cơ cấu dẫn tới người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc theo quy định của Bộ Luật Lao động trước thời hạn đã cam kết thì số cổ phần đã được mua thêm sẽ được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Trường hợp người lao động có nhu cầu bán lại cho doanh nghiệp số cổ phần này thì công ty cổ phần có trách nhiệm mua lại với giá sát với giá giao dịch trên thị trường.
- Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã cam kết thì phải bán lại cho công ty cổ phần toàn bộ số cổ phần đã được mua thêm với giá sát với giá giao dịch trên thị trường nhưng không vượt quá giá đã được mua tại thời điểm cổ phần hóa.
Thứ ba: Được chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi bao gồm cả giá trị tài sản dùng trong sản xuất, kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy định tại Điều 14 và Điều 19 Nghị định 59/2011/NĐ-CP để mua cổ phần.
Thư tư: Được tiếp tục tham gia và hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định hiện hành khi chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần.
Thứ năm: Được hưởng chế độ hưu trí và các quyền lợi theo chế độ hiện hành nếu đã có đủ điều kiện tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp.
Thứ sáu: Nếu bị mất việc, thôi việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp thì được thanh toán trợ cấp mất việc, thôi việc theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy: Người lao động trong doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo quy định nêu trên được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP theo điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định trên thì chống bạn vẫn được hưởng chế độ hưu trí và các quyền lợi theo chế độ hiện hành. Về trường hợp chồng bạn muốn ủy quyền cho người khác để thực hiện chuyển nhượng cổ phần của mình tại công ty được pháp luật dân sự quy định như sau:
Điều 143. Người đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Điều 146. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Theo quy định trên, trong trường hợp chồng bạn muốn thực hiện việc ủy quyền thì cũng sẽ xảy ra những rủi ro nhất định đó là trường hợp người được ủy quyền thực hiện các công việc vượt quá ủy quyền. Do đó trong hợp đồng ủy quyền bạn nên nói rõ và đưa vào các quy định liên quan đến vẫn đề này để nhằm hạn chế rủi ro xảy ra.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.