Tư cách pháp nhân trong hoạt động đấu thầu?
17/07/2017 08:52
Tư cách pháp nhân trong hoạt động đấu thầu?
Tôi hiện công tác tại phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã An Khê trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong công tác lựa chọn nhà thầu tôi có gặp tình huống như thế này rất mong Luật Bảo Chính giải đáp. Tình huống như sau: Dự án cải tạo sửa chữa trụ sở do công ty tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật có quan hệ con đẻ với công ty thi công gói thầu trên. Theo điểm đ, khoản 6, điều 89 Luật đấu thầu số 43 thì "Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó" không rõ là có hạn chế đối với công ty có tư cách pháp nhân độc lập nhưng lại có quan hệ gia đình với nhà thầu hay không?
Xin cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ quy định tại điều 6, Luật đấu thầu năm 2013 thì :
"Điều 6. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
1. Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.
2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Chủ đầu tư, bên mời thầu;
b) Các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;
c) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.
3. Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.
4. Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Nhà thầu tư vấn đấu thầu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kếthợp đồng dự án;
b) Nhà thầu tư vấn thẩm định dự án đầu tư theo hìnhthức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồngdự án;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".
Độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính được giải thích rõ tại điều 2, nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định Quy định chi tiết thi hành mốt số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu như sau:
" Điều 2. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
1. Nhà thầu tham dự quan tâm, tham dự sơ tuyển phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 của Luật Đấu thầu.
2. Nhà thầu tham dự thầu gói thầu hỗn hợp phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho gói thầu đó, trừ trường hợp các nội dung công việc này là một phần của gói thầu hỗn hợp.
3. Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.
4. Nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu khác; với nhà thầu tư vấn; với chủ đầu tư, bên mời thầu quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp;
b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau;
c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;
d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
5. Trường hợp đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Trường hợp sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn và là duy nhất trên thị trường thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ".
Do bạn không trình bày rõ quan hệ con đẻ ở đây là con đẻ giữa hai công ty hai là mối quan hệ con đẻ trong gia đình nên có thể chia là 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Nếu con đẻ ở đây là quan hệ công ty mẹ, công ty con giữa hai công ty hoặc không có sự độc lập về tài chính và độc lập về pháp lý thìuộc các trường hợp quy định tại khoản 4, điều 2, nghị định 63/2013/NĐ-CP thì đương nhiên có sự vi phạm về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 5, điều 2, nghị định này.
- Trường hợp 2: Nếu con đẻ ở đây là quan hệ con đẻ trong gia đình, mà hai công ty này độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định tại điều 2, nghị định 63/2013/NĐ-CP thì đương nhiên việc tham dự gói thầu không có sự vi phạm phạm luât, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định trên.
Như vậy, bạn có thể xem xét việc tham dự thầu của các công ty thông qua đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Tư cách pháp nhân trong hoạt động đấu thầu?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng../.