Trường hợp ủy quyền cho chi nhánh trực thuộc
28/07/2017 11:58Trường hợp ủy quyền cho chi nhánh trực thuộc? Em đọc điều 84, 92 BLDS thì hiểu chi nhánh trực thuộc không phải là pháp nhân, vì vậy chỉ được người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ ủy quyền cho giám đốc chi nhánh vay vốn. Do đó người vay phải là công ty mẹ còn ông giám đốc chi nhánh sẽ ký trên hồ sơ vay vốn. Cách em hiểu thế có đúng không? (Diệu Linh - Thái Bình)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chi nhánh không phải là pháp nhân theo quy định tại điều 84 Bộ luật Dân sự 2005 vì thế không có tư cách chủ thể để kí kết các hợp đồng dưới tư cách của công ty. Tuy nhiên, để thuận tiện cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể ủy quyền cho giám đốc các chi nhành để kí kết các hợp đồng phù hợp với thẩm quyền của mình. Theo đó, quan hệ ủy quyền sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự 2005
“Điều 581. Hợp đồng uỷ quyền: Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Theo như quy định trên, bên trực tiếp kí vào các hợp đồng mà mình đã được ủy quyền để kí kết là giám đốc chi nhánh. Tư cách của giám đốc chi nhánh trong trường hợp này là nhân danh công ty. Vì thế, các giao dịch mà giám đốc chi nhánh kí trong phạm vi thẩm quyền đã được ủy quyền sẽ do côngty trực tiếp chịu trách nhiệm. Do đó, công ty mẹ sẽ là chủ thể đứng tên trên hợp đồng vay vốn do giám đốc chi nhánh đã ký. Cách hiểu của bạn là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Trường hợp ủy quyền cho chi nhánh trực thuộc”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!