Trường hợp đóng cửa văn phòng đại diện
28/07/2017 14:15Trường hợp đóng cửa văn phòng đại diện? Do không hoạt động thường xuyên liên tục nên văn phòng tôi không nộp bất cứ báo cáo thuế, thuế thu nhập cá nhân cho cục thuế cũng như thông báo về hoạt động kinh doanh. Văn phòng chỉ có một người là trưởng đại diện và mượn địa chỉ một công ty để đặt văn phòng đại diện nhưng thực tế không giao dịch nhiều. Luật sư có thể tư vấn giúp tôi về việc đóng cửa văn phòng Đại diện công ty Trung Quốc tại Hà Nội. Hồ sơ, thủ tục để đóng cửa văn phòng đại diệnvà chi phí cho việc đóng phạt? (Tiến Đạt- Hà Nội)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2014
"Điều 206. Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện:
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm:
a) Quyết định của doanh nghiệp về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
c) Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
d) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
đ) Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện bị giải thể liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.
4. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh quy định tại khoản 2 Điều này, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp."
Như vậy, doanh nghiệp của bạn có thể ra quyết định về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và tiến hành lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện theo khoản 2 Điều luật nêu trên và nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Căn cứ vào quy định tại Điều 60 Nghị định 78/2015/NĐ_CP thì khi chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, công ty bạn gửi thông báo về việc này đến Phòng Đăng ký kinh doanh tại Hà Nội.
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, công ty bạn không tiến hành nộp bất cứ báo cáo thuế thu nhập cá nhân cho cục thuế cũng như báo cáo hoạt động kinh doanh từng năm của văn phòng đại diện. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định 129/2013/NĐ-CP: "Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế" được xem là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Việc phạt tiền được quy định tại Điều 11 như sau:
- Phạt tiền 1,5 lần tính trên số tiền thuế trốn, gian lận đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: Vi phạm lần đầu có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai có một tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba nhưng có một tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền 2,5 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm từ lần thứ hai mà có 2 tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ 3 có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ tư trở đi.
Cơ quan thuế căn cứ vào mức phạt như trên và thực tế ở văn phòng đại diện để ra quyết định xử phạt đối với công ty bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Trường hợp đóng cửa văn phòng đại diện”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!