Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật khi rút vốn góp
27/07/2017 09:54Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật khi rút vốn góp. Tôi có góp vốn trong công ty Trách nhiệm hữu hạn với tỷ lệ 20% trên tổng số vốn đăng ký trên Giấy phép Đăng kí kinh doanh, được cử đứng tên Giám đốc chịu trách nhiệm trước Pháp luật. Nay vì nhiều lí do, tôi không muốn hợp tác làm chung nữa. Vậy tôi xin hỏi, thủ tục và giấy tờ gì cần làm là gì? Quyền lợi của tôi là gì? (Hoàng Luân - Huế)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Trường hợp bạn muốn rút vốn ra khỏi công ty, không muốn làm việc tại công ty nữa. Tùy từng trường hợp, bạn có thể thực hiện rút vốn dưới 1 trong các hình thức sau:
Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ được rút vốn đã góp vào công ty dưới 1 trong các hình thức sau:
Thứ nhất, yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp:
Điều 52 quy định:
“1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Thứ hai, chuyển nhượng phần vốn góp
Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định trên thì có quyền chào bán phần vốn góp của mình cho các thành viên khác hoặc cho người khác không phải là thành viên của công ty.
Đối với trường hợp bạn muốn rút vốn không phải do bất đồng quan điểm với Nghị quyết Hội đồng thành viên theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp thì có thể thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định sau:
Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện.
Nếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán mà các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết thì được chuyển nhượng cho người khác không phải là thành viên công ty.
Thứ ba, thực hiện tặng cho hoặc sử dụng phần vốn góp đó để trả nợ.
Trường hợp này, bạn có thể tặng cho hoặc để trả nợ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà không bắt buộc là thành viên công ty.
Sau khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp, công ty sẽ làm các thủ tục về đăng ký thay đổi thành viên góp vốn của công ty với đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký và xóa tên của bạn trong sổ đăng ký thành viên của công ty.
Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Trường hợp bạn không muốn là người đại diện theo pháp luật của công ty thì có thể viết đơn thông báo tới Hội đồng thành viên theo thủ tục, trình tự của Điều lệ công ty quy định để công ty thuê, bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật mới.
Điều 38 Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định, Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:
"1.Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp và mã số thuế);
2. Họ, tên, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, chức danh, địa chỉ thường trú của người đang là đại diện theo pháp luật của công ty và của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty;
3. Họ, tên và chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và biểu quyết nhất trí về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty".
Kèm theo Thông báo phải có: Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận và đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật khi rút vốn góp” nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!