Thủ tục mở phòng khám đa khoa quốc tế như thế nào?
20/07/2017 15:28
Thủ tục mở phòng khám đa khoa quốc tế như thế nào? (buikieutrinhbk@gmail.com)
Xin cảm ơn.
Về thủ tục mở phòng khám đa khoa quốc tế, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
1. Hình thức tổ chức khám, chữa bệnh:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 41, Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định về các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
“1. Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Bệnh viện;
b) Cơ sở giám định y khoa;
c) Phòng khám đa khoa;”
Như vậy việc mở phòng khám đa khoa, chuyên khoa là đúng với quy định về các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
Theo quy định tại Điều 42 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
“Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 38 Thông tư 41/2011/TT-BYT”
Như vậy để hoạt động được phòng khám đa khoa, chuyên khoa khách hàng cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư và phải được cấp giấy phép hoạt động của cơ quan chủ quản.
3. Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động:
Theo quy định tại điều 24 Thông tư số 41/2011/TT-BYT quy định về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa:
“1. Quy mô phòng khám đa khoa:
Phòng khám đa khoa phải đáp ứng ít nhất các điều kiện sau:
a) Có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi;
b) Phòng cấp cứu;
c) Buồng tiểu phẫu;
d) Phòng lưu người bệnh;
đ) Cận lâm sàng: Có hai bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh;
2. Cơ sở vật chất:
a) Có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu. Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải đáp ứng các yêu cầu ít nhất về diện tích như sau:
- Phòng cấp cứu có diện tích ít nhất 12m2;
- Phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất 15m2; có ít nhất từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích mỗi giường ít nhất là 05m2;
- Các phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu có diện tích ít nhất 10m2. Riêng đối với phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước phải bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế quy định tại Quyết định số 1327/2002/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
3. Thiết bị y tế:
Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đa khoa đăng ký.
4. Tổ chức nhân sự:
a) Số lượng bác sỹ làm việc toàn thời gian (cơ hữu) phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sỹ của phòng khám đa khoa;
b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà phòng khám đa khoa đăng ký;
- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa phải được thể hiện bằng văn bản;
- Là người làm việc toàn thời gian tại phòng khám đa khoa;
c) Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám đa khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.”
4. Đối với phòng khám đa khoa quốc tế
Nếu phòng khám đa khoa mà bạn thành lập có sử dụng người lao động nước ngoài, bạn phải xin cấp phép lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật lao động. Cụ thể tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP. Theo đó:
Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định mới
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
4. Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
5. Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Hồ sơ cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định mới bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định ( trong thời hạn 12 tháng)
3. Lý lịch tư pháp theo quy định.
4. Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên (Bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc nước ngoài,…)
5. 02 ảnh mầu 4x6 phông nền trắng, không đeo kính.
6. Hộ chiếu ( bản sao quyển nguyên chứng thực).
7. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài ( tùy từng trường hợp theo quy định: Quyết định bổ nhiệm của công ty mẹ, hợp đồng lao động , công văn chấp thuận sử dụng lao động,…)
Các giấy tờ theo quy định này là 01 bản chính hoặc 01 bản sao, nếu bằng tiếng nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nơi nộp hồ sơ: nộp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục mở phòng khám đa khoa quốc tế như thế nào?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!