Thủ tục, lệ phí giải thể văn phòng đại diện theo quy định pháp luật
26/07/2017 12:13Thủ tục, lệ phí giải thể văn phòng đại diện theo quy định pháp luật? Văn phòng đại diện khi giải thể có mất lệ phí không? Thủ tục giải thể như thế nào? (Trần Giang - Hà Nội)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Về thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện
Để chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thì bạn phải thực hiện các thủ tục được quy định tại Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
“Điều 206. Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm:
a) Quyết định của doanh nghiệp về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
c) Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
d) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
đ) Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện bị giải thể liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.
4. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh quy định tại khoản 2 Điều này, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”
Như vậy, doanh nghiệp của bạn có thể ra quyết định về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và tiến hành lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện theo khoản 2, điều luật nêu trên và nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.Đồng thời tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 43/2010/NĐ-CP cũng quy định về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, theo đó: “Khi chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc nơi doanh nghiệp đã thông báo lập địa điểm kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận Thông báo và làm thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc xóa địa điểm kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện”
2. Về lệ phí chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện
Căn cứ Thông tư số106/2013/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 176/2012/TT-BTC ngày 23/10/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lývà sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp thì khi bạn tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, bạn sẽ không phải nộp phí, lệ phí.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục, lệ phí giải thể văn phòng đại diện theo quy định pháp luật”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!