Thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài về tranh chấp thương mại quốc tế ?
05/07/2017 14:33Cho tôi hỏi về thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài về tranh chấp thương mại quốc tế ? Công ty A có trụ sở tại Hàn Quốc là nguyên đơn, bán hàng cho công ty B là công ty có vốn và chủ là người Hàn Quốc thành lập và hoạt động tại Bắc Ninh Việt Nam. Bên A có nhận được đơn đặt hàng của B. Tuy nhiên đến nay công ty B vẫn chưa trả hết số tiền trên, tổng cộng thiếu $84261.3 và không có dấu hiệu trả trong thời gian gần tới đây do khúc mắc nội bộ công ty của B. Vậy mình muốn hỏi trường hợp này bên mình có thể khởi kiện được không, mức án phí và thời gian thụ lý là bao lâu?(lanle…@gmail.com)
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn như sau:
Thứ nhất, bạn có thể khởi kiện được không?
Tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
“2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”
Như vậy, quan hệ giữa công ty A là pháp nhân nước ngoài và công ty B là pháp nhân Việt Nam là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Do đó, pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa công ty A và công ty B theo quy định tại Điều 664 Bộ luật dân sự 2015 về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”
Như vậy, tranh chấp giữa công ty A và công ty B sẽ được áp dụng giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, công ty A hoàn toàn có thể làm đơn khởi kiện buộc công ty B phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ tới cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.
Thứ hai, mức án phí là bao nhiêu?
Việc khởi kiện của công ty A thuộc vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch, và dưới đây là bảng mức án phí về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngach được ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
* Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch:
| Giá trị tài sản có tranh chấp | Mức án phí |
| ||
a | Từ 60.000.000 đồng trở xuống | 3.000.000 đồng | |||
b | Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% của giá trị tranh chấp | |||
c | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng | |||
d | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng | |||
đ | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng | |||
e | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng | |||
* Án phí sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp kinh doanh,thương mại không có gia ngạch là 3.000.000 đồng.
Thứ ba, Thời gian thụ lý là bao lâu?
Căn cứ Điều 318, Điều 319 Luật thương mại 2005 quy định:
"Điều 318. Thời hạn khiếu nại
Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:
1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;
2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.”
Điều 319. Thời hiệu khởi kiện
“Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này."
Như vậy, đối với việc chậm nghĩa vụ trả nợ của công ty B thì công ty A có thể thực hiện khiếu nại trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày công ty B phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Nếu không thực hiện khiếu nại, công ty A cũng có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết trong thời hạn 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của công ty bị xâm phạm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài về tranh chấp thương mại quốc tế”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!