Thủ tục hải quan đối với việc giao, nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp.
18/03/2017 21:57Tôi có thắc mắc cần nhờ Luật sư tư vấn như sau: Công ty A và Công ty B của Việt Nam gia công hàng may mặc cho Công ty H tại Hàn Quốc. Theo đó, Công ty A sẽ thực hiện gia công phần cổ áo và thân áo (một phần sản phẩm) sau đó chuyển cho Công ty B gia công tiếp việc thêu hoa văn, họa tiết (tạo sản phẩm hoàn chỉnh). Xin hỏi sau khi Công ty A thực hiện xong phần gia công có phải làm thủ tục xuất khẩu cho sản phẩm của mình không? Công ty B sẽ làm thủ tục nhập khẩu tiếp từ công ty A hay phải làm thủ tục nhập khẩu từ Công ty H? (Hoàng Oanh - Bắc Giang)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài quy định:
“Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp. Theo đó:
1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.
2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.”
Theo quy định tại Điều 63 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định Thủ tục giao, nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp:
"1. Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo qui định tại Điều 33 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP phải làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này.
2. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân Bên giao, Bên nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sản phẩm gia công chuyển tiếp được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư của hợp đồng gia công và được sử dụng đúng mục đích gia công.
3. Trường hợp hợp đồng gia công có sản phẩm gia công chuyển tiếp (hợp đồng gia công giao) và hợp đồng gia công sử dụng sản phẩm gia công chuyển tiếp làm nguyên liệu gia công (hợp đồng gia công nhận) cùng một tổ chức, cá nhân nhận gia công thì tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ của cả Bên giao và Bên nhận."
Chiếu theo quy định trên thì sản phẩm gia công của Công ty A sẽ phải làm thủ tục hải quan dưới hình thức xuất khẩu. Đối với trường hợp này, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho công ty A không nhất thiết phải làm thủ tục xuất khẩu cho công ty H mà có thể làm thủ tục xuất khẩu theo hình thức xuất khẩu tại chỗ cho công ty B. Do đó, Công ty B có thể làm thủ tục nhập khẩu từ công ty A theo hình thức nhập khẩu tại chỗ.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.