Thủ tục pháp lý nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng ?
21/07/2017 10:36Thủ tục pháp lý nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng ? Hiện nay, công ty tôi đang làm hồ sơ để xin giấy chứng nhận đầu tư về xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất nội thất. Chúng tôi dự định nhập máy móc đã qua sử dụng về VN (máy Nhật, sản xuất cách đây trên 10 năm). Theo thông tư số 23/2015/TT-BKHCN thì với máy móc cũ nhập khẩu có ghi trong danh mục thiết bị đã qua sử dụng thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1 điều 6 của thông tư nêu trên. Vậy điều kiện cụ thể của máy móc cũ để được cơ quan đăng ký đầu tư cấp phép nhập khẩu? Trình tự thủ tục ra sao?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ định nghĩa tại Thông tư 23/2015/TT_BKHCN, Máy móc, thiết bị là một kết cấu hoàn chỉnh, gồm các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau để vận hành, chuyển động theo mục đích sử dụng được thiết kế. Máy móc đã qua sử dụng là máy móc sau khi xuất xưởng đã được lắp ráp và vận hành hoạt động. Theo đó, có thể thấy việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với môi trường và nguồn năng lượng. Do đó, việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng được pháp luật Việt Nam quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2015/TT_BKHCN:
"Điều 6. Yêu cầu cụ thể
1. Thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm;
b) Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
2. Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, thuộc các trường hợp sau:
a) Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư;
b) Dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể lấy ý kiến thẩm định công nghệ của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ đối với thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư."
Theo thông tin bạn cung cấp, có thể thấy thời gian từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu về Việt Nam của những máy móc đã qua sử dụng trên là trên 10 năm. Như vậy, những máy móc cũ này không đảm bảo điều kiện về tuổi thiết bị để được nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2015/TT_BKHCN. Thông thường, những máy móc này sẽ không được phép nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2015/NĐ_CP, nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này. Đối với công ty bạn là một công ty nước ngoài, theo quy định của Luật Đầu tư 2014, công ty bạn thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, việc công ty bạn dự định liệt kê danh sách máy móc thiết bị đã qua sử dụng dự định sẽ nhập trong hồ sơ đăng ký đầu tư là hoàn toàn hợp lý. Trong trường hợp Sở kế hoạch và đầu tư nơi bạn nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho bạn thì công ty bạn được quyền nhập khẩu các loại máy móc trong danh mục trên mà không cần áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2015/TT_BKHCN về điều kiện tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm nữa.
Tuy nhiên, hiện tại, pháp luật đầu tư cũng không có quy định cụ thể để điều kiện để cơ quan đăng ký đầu tư cấp phép nhập khẩu đối với các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (tức giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có kèm theo danh mục thiết bị đã qua sử dụng). Do đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp này thực hiện theo thủ tục đăng ký đầu tư thông thường và trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký đầu tư có thể xem xét đến các điều kiện của máy móc cũ được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Do Thông tư 23/2015/TT_BKHCN là văn bản quy định rõ ràng, chi tiết nhất về các điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cho nên rất có thể cơ quan đăng ký đầu tư sẽ áp dụng một số nội dung quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Do đó, công ty bạn có khả năng sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp này.
Đối với trường hợp công ty bạn nộp hồ sơ đăng ký đầu tư có kèm theo danh mục thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ này thì thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư như các trường hợp thông thường. Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, bạn nộp một bộ hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự kiến thực hiện dự án để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nếu công ty bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và được cấp phép nhập khẩu những máy móc thiết bị đã qua sử dụng, khi thực hiện thủ tục nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng công ty bạn nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2015/TT_BKHCN:
- 01 bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
- 01 bản chính Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu trong hồ sơ dự án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục pháp lý nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!