Thành lập cơ sở dạy học như thế nào?
05/07/2017 13:51Tôi đang có một câu hỏi xin được giải đáp: Thành lập cơ sở dạy học như thế nào? Hiện nay, tôi đang có một ý định thành lập một cơ sở dạy học bồi dưỡng văn hoá. Nhưng vướng mắc ở chỗ soạn thảo văn bản hợp tác giữa các thành viên tham gia thành lập. Xin luật sư giải đáp giùm! (tranan…@gmail.com).
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Cơ sở bồi dưỡng văn hóa thực chất là một hình thức khác của doanh nghiệp cho nên trình tự, thủ tục được thành lập cơ sở bồi dưỡng văn hóa cũng tuân theo việc thành lập doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định đối tượng được quyền thành lập doanh nghiệp như sau:
“Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình theo điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:
a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.”
Như vậy, việc ký kết hợp đồng giữa các thành viên phụ thuộc vào thỏa thuận của chính những thành viên đồng thành lập cơ sở, đồng thời phải tuân thủ điều kiện về vốn, nhân sự theo quy định của pháp luật. Nếu có thành viên là công chức hoặc viên chức hoặc thuộc các trường hợp pháp luật cấm theo quy định trên cũng không được tham gia thành lập cơ sở bồi dưỡng văn hóa.
“Điều 19. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.”
Về việc soạn thảo văn bản hợp tác giữa các thành viên, là hợp tác giữa các thành viên đồng sáng lập cơ sở hay hợp tác với các đối tác khác trong việc giảng dạy thì bạn không nói rõ. Nội dung của văn bản này đều phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, và không trái đạo đức, pháp luật. Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin, chúng tôi xin đưa ra gợi ý về những nội dung cơ bản trong văn bản hợp tác như sau:
- Thông tin cá nhân của thành viên.
- Tỷ lệ vốn góp.
- Thỏa thuận về việc chia lợi nhuận.
- Những cam kết khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thành lập cơ sở dạy học như thế nào”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!