Thắc mắc trong kinh doanh online?
17/03/2017 17:13
Tôi có 1 Tài Khoản Online, nó có thể mua thẻ điện thoại, thẻ game, nạp Tài Khoản Game trực tiếp, thanh toán tiền điện nước, cab truyền hình, thanh toán tiền điện thoại cố định, nạp tiền tài khoản họcmãi.vn. Tôi mở dịch vụ đó cho Tổ Dân Phố dùng và thu phí dịch vụ. Tôi có 1 website, nó không cần đăng ký tên miền, nó là dịch vụ của 1 website lớn của nước ngoài, người dùng chỉ cần vào website lớn đó rồi thiết kế website cho riêng mình theo vài tên miền đã định sẵn, do đó tôi không cần đăng ký tên miền cho website mình mà vẫn có website. Tôi tự làm tất cả các khâu và làm cố định tại nhà. Như vậy:
- Tôi cần đăng ký gì không?
- Nếu tôi chỉ bán thẻ điện thoại thì đó là buôn bán vặt đúng không ạ? Buôn bán vặt là không cần Đăng ký phải không ạ?
- Khoản "Thu Nhập" trong Kinh Doanh là tiền LÃI hay tiền NHẬN ĐƯỢC ạ? Ví dụ Tôi đầu tư 500 nghìn đồng vào dịch vụ A, cuối tháng nhờ dịch vụ đó tôi lấy lại được vốn và lãi 1nghìn, tổng tiền hiện tại là 501nghìn, vậy "Thu nhập" trong Kinh Doanh dịch vụ A của tôi là 1nghìn hay 501 nghìn?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Theo Điều 6 Luật doanh nghiệp 2005 quy định:
"Điều 6. Thương nhân
1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
3. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.
4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước".
Bên cạnh đó, tại Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP quy định:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định".
Bạn không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh.
Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo Điều 52 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP:
"Điều 52. Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là thương nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
2. Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
3. Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định này".
Để thiết lập website thương mại điện tử bán hàng bạn cần đáp ứng được các điều kiện trên.
Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng tại Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP:
"Điều 53. Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương thông qua công cụ thông báo trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt
động thương mại điện tử;
2. Thông tin phải thông báo bao gồm:
a) Tên miền của website thương mại điện tử;
b) Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;
c) Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website;
d) Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
đ) Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
e) Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;
g) Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương".
Bạn phải thông báo với Bộ Công Thương thông qua công cụ thông báo trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Khi thực hiện các thủ tục theo luật định bạn sẽ đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Theo Điều 55 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP:
"Điều 55. Thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.
2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
b) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân);
c) Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định này;
d) Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;
đ) Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có;
e) Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định".
Bộ Công Thương là đơn vị xác nhận đăng ký cho các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Bộ Công Thương quy định cụ thể yêu cầu về nội dung hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt đăng ký đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Thứ hai, chỉ bán thẻ điện thoại thì đó là buôn bán vặt không?
Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định. Buôn bán vặt không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại.
Thẻ điện thoại dùng để trả tiền dịch vụ điện thoại. Thẻ đúng chuẩn có thể được mua và sử dụng mà không cần bất kỳ loại cơ sở tài khoản trữ một số tiền tín dụng cố định và sẽ bị hủy khi tiền đã được sử dụng hết. Thẻ điện thoại được biết đến như một loại thẻ nhớ từ xa có một mã PIN liên kết với một tài khoản điện thoại mặt đất cụ thể; các cuộc gọi thông qua sử dụng thẻ được tính vào tài khoản có liên quan. Việc mua bán thẻ điện thoại qua website không phải là buôn bán vặt.
Trong trường hợp này, mặc dù đã có tên miền cụ thể của nước ngoài, tuy nhiên bạn muốn tiến hành hoạt động kinh doanh trên đấy với website của riêng mình vẫn phải làm thủ tục thông báo thiết lập website gửi lên sở công thương theo hướng dẫn tại điều 53 nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Thứ ba, thu nhập kinh doanh.
Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
· Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ
· Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Để hiểu đúng về thu nhập kinh doanh phải căn cứ trong từng trường hợp cụ thể. Khi nộp thuế thì cách xác định thu nhập tính thuế có sự khác nhau giữa các loại thuế.
Có thể hiểu, thu nhập kinh doanh là lợi nhuận có được trong một niên độ xác định khi đã trừ đi chi phí khác.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.