Quyết định của Tòa án trong thủ tục phá sản là gì?
21/07/2017 14:35
Quyết định của Tòa án trong thủ tục phá sản là gì? Ngày 1/10/2015, công ty Đ quyết định mở thủ tục phá sản. Danh sách chủ nợ gồm: A 1 tỷ đồng (có bảo đảm bằng một ngôi nhà định giá trong HĐ thế chấp là 1 tỉ đồng); nợ B 1,9 tỷ đồng (có bảo đảm 1 tỷ đồng); nợ C, D, E, G lần lượt 3, 2, 5, 5 tỷ đồng. Ngày 15/12/2015, thẩm phán đã đồng ý bằng văn bản cho phép Công ty Đ:
(a) Thanh toán một khoản nợ 50 triệu đồng (nợ không bảo đảm) cho D.
(b) Thanh toán 1 tỷ đồng cho A bằng phương thức phát mại tài sản( giá trị ngôi nhà khi phát mại là 900tr và 100tr trích từ quỹ công ty).Ngày 20/7/2015, Trước tình hình đó thẩm phán đã ra quyết định kê biên tài sản của doanh nghiệp tư nhân TĐ ( con nợ của công ty Đ). Cho tôi hỏi về tính hợp pháp trong các quyết định (a) và (b) và quyết định kê biên tài sản của thẩm phán được nêu trong tình huống trên?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Về thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp, Luật Phá sản năm 2014 quy định như sau:
"Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
đ) Thành viên của Công ty hợp danh.
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ."
Để xem xét tính hợp pháp về quyết định thanh toán tài sản cho các chủ nợ, trước tiên cần xác minh xem Thẩm phán phụ trách đã ra quyết định phá sản hay chưa. Nếu quyết định đã được ban hành thì thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp Đ phải được tuân thủ theo quy định trên, tức là ưu tiên cho chi phí phá sản, tiền lương, trợ cấp cho người lao động,.. Và nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán tất cả các khoản thì từng đối tượng theo cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo phần trăm tương ứng với số nợ.
Thêm vào đó, cần xác định tổng tài sản của công ty là bao nhiêu để làm căn cứ xác định mức thanh toán cho các chủ nợ, từ đó xác định xem quyết định của thẩm phán có hợp pháp hay không.
Về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm, Điều 53 Luật này quy định:
"Điều 53. Xử lý khoản nợ có bảo đảm
1. Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:
a) Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;
b) Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;
b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã."
Theo đó thì việc khoản nợ của anh A được thẩm phán giải quyết bằng tài sản bảo đảm là hợp pháp. Tuy nhiên, quyết định bù 100 triệu đồng còn thiếu cần được xem xét lại tính hợp pháp, vì nó chỉ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp và số nợ 1 tỷ được thanh toán hoàn toàn nếu công ty Đ có đủ khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ.
Về quyết định kê biên tài sản của doanh nghiệp tư nhân TĐ để tránh tẩu tán tài sản, ta có thể xét tính hợp pháp thông qua quy định sau của Luật Phá sản:
"Điều 70. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 của Luật này, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sau đây:
a) Cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác;
b) Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
c) Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ;
d) Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã;
đ) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
e) Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
g) Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định;
h) Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
i) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.
2. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có văn bản yêu cầu gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên, địa chỉ của người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
c) Tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
d) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
đ) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án nhân dân chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó."
Theo đó, nếu có các căn cứ chứng minh cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, việc ra quyết định kê biên tài sản của doanh nghiệp tư nhân TĐ là đúng với quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công ty Đ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quyết định của Tòa án trong thủ tục phá sản là gì?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!