Quy định về thành lập công ty, chuyển nhượng vốn và bổ nhiệm Giám đốc?
05/07/2017 13:55
Cho em hỏi: Quy định về thành lập công ty, chuyển nhượng vốn và bổ nhiệm Giám đốc như thế nào? Công ty TNHH A được đăng ký bởi một công ty cổ phần B. Công ty Cổ phần B bổ nhiệm ba đại diện để đại diện cho quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong công ty B.
a) Xác định việc thành lập của Công ty TNHH A là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hay ko? Cơ cấu tổ chức phù hợp với Công ty TNHH A là gì?
b) Hai năm sau khi thành lập, Công ty TNHH A muốn chuyển giao một phần góp vốn cho bà X, một thẩm phán về hưu. Việc chuyển giao được cho phép hay không theo quy định của pháp luật?
c) Giả sử rằng chuyển giao là chính đáng theo pháp luật áp dụng, sau khi trở thành một thành viên của Công ty TNHH A, bà X được bầu của Hội đồng thành viên của Công ty để trở thành giám đốc của Công ty TNHH A. Xác định liệu cuộc bầu cử như vậy là chính đáng hay không biết bà X là chủ sở hữu của một công ty tư nhân đăng ký hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh Rất mong nhận được sự phản hồi của luật sư.
Em xin cám ơn ạ. (Jonhtran…@gmail.com).
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về việc thành lập công ty TNHH A
Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 vể tổ chức, cá nhân có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình theo điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:
a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.
Theo quy định kể trên, nếu công ty cổ phần B không phải công ty nhà nước và đáp ứng các điều kiện nêu trên thì có thể thành lập công ty TNHH A. Theo quy định tại Khoản 1Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 về mô hình công ty mẹ - công ty con thì:
Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó."
Như vậy, công ty B có quyền trực tiếp bổ nhiệm những người đại diện cho quyền sở hữu của công ty A mà không trái với quy định pháp luật.
Căn cứ theo tình hình tài chính, quan hệ đối tác mà Công ty B có thể thành lập công ty TNHH A theo loại hình MTV hay 2 TV trở lên. Nhưng để đảm bảo việc điều hành, quyết định các vấn đề của công ty con thì phải công ty B cần đảm bảo tỷ lệ vốn góp theo (sở hữu trên 50% vốn điều lệ) hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn trong điều lệ Công ty con.
Thứ hai, vấn đề chuyển nhượng vốn góp:
Nếu công ty TNHH A thuộc loại hình công ty TNHH một thành viên thì việc chuyển nhượng phần vốn góp cho bà B quy định tại Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
“1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
3. Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.”
Nếu Công ty TNHH A là công ty TNHH hai thành viên trở lên thì việc chuyển nhượng vốn góp phải tuân theo các quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
“1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.
2. Khi có yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
3. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.”
Trường hợp công ty A là công ty TNHH một thành viên, khi chuyển nhượng phần vốn góp thì phải thay đổi mô hình công ty thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Thứ ba, Về việc bổ nhiệm làm giám đốc:
Căn cứ Điều 65 Luật doanh nghiệp 2014 vè Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc như sau:
“1. Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.
2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
3. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.”
Theo đó, bà X đã về hưu nên không thuộc đối tượng cấm theo Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014. Đồng thời, theo quy định về tiêu chuẩn làm giám đốc tại Luật doanh nghiệp 2014 nêu trên thì bà X cũng không bị hạn chế khi đảm nhiệm chức vụ giám đốc. Tuy nhiên nếu điều lệ công ty không cho phép thì việc bổ nhiệm là không hợp pháp.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quy định về thành lập công ty, chuyển nhượng vốn và bổ nhiệm Giám đốc”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!