Quy định pháp luật về kế hoạch lựa chọn nhà thầu?
20/07/2017 16:59Quy định pháp luật về kế hoạch lựa chọn nhà thầu? Em có một công trình ở xã, có phần kéo và lắp đặt điện từ trụ điện vào công trình, thầy cho em hỏi khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì phần điện đó nó sẽ nằm ở phần nào của kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phần không áp dụng được 1 trong các hình thức lựa chọn nhà thầu hay phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gói thầu này do điện lực huyện khảo sát, chiết tính và thi công có giá là 150 triệu đồng). Cảm ơn luật sư! (Gửi bởi: vithanhnhan@gmail.com)
Về quy định pháp luật về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ vào Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu do bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư ban hành quy định:
“Điều 5. Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Nội dung phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu, trong đó từng gói thầu bao gồm các nội dung quy định tại Điều 35 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, cụ thể như sau:
1. Tên gói thầu:
Tên gói thầu cần thể hiện tính chất (xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hỗn hợp), nội dung, phạm vi công việc của gói thầu phù hợp với nội dung nêu trong quyết định phê duyệt dự án. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần riêng biệt thì tên của từng phần cần thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.
2. Giá gói thầu:
Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có)), phí, lệ phí và thuế. Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư;
- Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.
4. Hình thức lựa chọn nhà thầu:
Đối với từng gói thầu cần nêu rõ hình thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế, có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn hay không áp dụng, lựa chọn nhà thầu qua mạng hay không trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp lựa chọn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi thì không cần giải trình lý do áp dụng; trường hợp áp dụng đấu thầu quốc tế thì cần giải trình lý do áp dụng đấu thầu quốc tế.
7. Loại hợp đồng:
Đối với từng gói thầu cụ thể, căn cứ quy mô, tính chất gói thầu, chủ đầu tư quy định loại hợp đồng áp dụng cho phù hợp để làm căn cứ lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng. Một gói thầu có thể được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản này. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể. Trường hợp gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói thì trong tờ trình chủ đầu tư không cần giải thích lý do áp dụng.
a) Hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thì loại hợp đồng áp dụng chủ yếu là hợp đồng trọn gói.
b) Hợp đồng theo đơn giá cố định được áp dụng đối với gói thầu có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng đối với toàn bộ nội dung công việc của gói thầu.
c) Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được áp dụng đối với các gói thầu chưa đủ điều kiện xác định chính xác về số lượng hoặc khối lượng và đơn giá có thể biến động trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Trường hợp hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn và thời gian thực hiện hợp đồng trên 18tháng thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.
d) Hợp đồng theo thời gian được áp dụng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn."
Như vậy, từ quy định pháp lý nêu trên cho thấy rằng để có thể xác định phần kéo và lắp đặt điện từ trụ điện vào công trình khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì phải căn cứ dự toán để lập giá gói thầu, quy mô gói thầu. Đối với trường hợp này nếu xác định việc kéo và lắp đặt điện là một gói thầu riêng thì phải nêu rõ hình thức lựa chon nhà thầu.
Do đó nó sẽ nằm trong phần kế hoạch lựa chon nhà thầu.
Để có thể xác định phần kéo và lắp đặt điện từ trụ điện vào công trình thuộc phần dịch vụ tư vấn hay phần xây lắp, hình thức thì phải cẳn cứ vào quy mô, tính chất gói thầu. Nếu đơn giản và quy mô nhỏ thì kết hợp cả hai trong hợp đồng trọn gói. Nếu nguồn vốn lớn và mất nhiều thời gian thì gói thầu này phải chia thành phần riêng biệt với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp;.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quy định pháp luật về kế hoạch lựa chọn nhà thầu”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!