Quy định của pháp luật về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan
17/03/2017 10:48Xin hỏi Luật sư theo quy đinh của pháp luật hiện hành quy định như thế nào về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan? (Anh Minh - Bắc Giang)
Điều 38 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan như sau:
- Đối tượng giám sát hải quan gồm hàng hóa, phương tiện vận tải, phương tiện vận tải nội địa vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan.
- Giám sát hải quan được thực hiện bằng các phương thức sau đây:
+ Niêm phong hải quan;
+ Giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện;
+ Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
- Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin khác có liên quan đến đối tượng giám sát hải quan, cơ quan hải quan quyết định phương thức giám sát phù hợp. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.
- Thời gian giám sát hải quan:
+ Hàng hóa nhập khẩu chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan đến khi được thông quan, giải phóng hàng hóa và đưa ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan;
+ Hàng hóa xuất khẩu miễn kiểm tra thực tế hàng hóa chịu sự giám sát hải quan từ khi thông quan đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan. Trường hợp phải kiểm tra thực tế, hàng hóa xuất khẩu chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu kiểm tra thực tế hàng hóa đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan;
+ Hàng hóa quá cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới cửa khẩu nhập đầu tiên đến khi ra khỏi cửa khẩu xuất cuối cùng;
+ Thời gian giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, cụ thể là:
* Phương tiện vận tải thương mại nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh phải di chuyển theo đúng tuyến đường quy định, chịu sự giám sát hải quan từ khi đến địa bàn hoạt động hải quan, quá trình di chuyển cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
* Phương tiện vận tải thương mại Việt Nam nhập cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan cho đến khi toàn bộ hàng hóa nhập khẩu chuyên chở trên phương tiện vận tải được dỡ hết khỏi phương tiện để làm thủ tục nhập khẩu.
Phương tiện vận tải thương mại Việt Nam xuất cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu xếp hàng hóa xuất khẩu cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
* Phương tiện vận tải không nhằm mục đích thương mại nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan khi làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh hoặc địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
* Khi có căn cứ cho rằng trên phương tiện vận tải có cất giấu hàng hóa trái phép, có dấu hiệu khác vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan quyết định tạm hoãn việc khởi hành hoặc dừng phương tiện vận tải để khám xét. Việc khám xét phải thực hiện theo quy định của pháp luật; người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính đối với câu hỏi của bạn, nếu bạn còn vướng mắc có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc vui lòng gọi 19006281 để nghe Luật sư tư vấn chi tiết và chính xác nhất.
Công ty luật Bảo Chính!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.