Quán cơm bình dân có phải đăng ký kinh doanh không?
04/07/2017 15:58
Quán cơm bình dân có phải đăng ký kinh doanh không? Tôi là công nhân nghỉ hưu, nay muốn mở quán cơ bình dân tại nhà. Tôi muốn hỏi việc tôi mở quán cơm bình dân có phải đăng ký kinh doanh không?
Mong luật sư tư vấn giúp tôi!
Tôi xin cảm ơn!
(Thanh Nga - Nghệ An)
Về vấn đề “Quán cơm bình dân có phải đăng ký kinh doanh không?”, Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định của pháp luật, kinh doanh dịch vụ ăn uống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó bạn cần tiến hàng đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là công nhân nghỉ hưu muốn mở cửa hàng cơm bình dân, do đó bạn có thể đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể (cơ quan cấp phép là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Khoản 1, Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Ngoài ra, việc đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể được quy định tại Điều 71 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP như sau:
“1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.”
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bạn phải tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Điều 1 Thông tư số 47/2014/TT-BYT quy định về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đó gồm các giấy tờ như sau:
“1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
3. Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:
a) Bản vẽ sơ đồ mặt bằng của cơ sở;b) Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống;c) Bản kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
4. Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
5. Danh sách kết quả khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
6. Danh sách kết quả cấy phân tìm vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn của người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế.”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi cho câu hỏi “Quán cơm bình dân có phải đăng ký kinh doanh không?” của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi về Công ty Luật Bảo Chính hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!