Nhờ tư vấn về việc liên kết đào tạo?
16/03/2017 15:50Thưa luật sư! Hiện tôi có 1 doanh nghiệp hoạt động chính các ngành nghề về dịch vụ tin hoc, mua bán, sửa chữa máy vi tính... nhưng trong giấy đăng ký kinh doanh, tôi có đăng ký các ngành như giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề) mã ngành 8532, giáo dục thể thao và giải trí mã ngành 8551, giáo dục văn hóa nghệ thuật mã ngành 8552, giáo dục khác chưa phân vào đâu 8559 và dịch vụ hỗ trợ giáo dục mã ngành 8560. Nên hiện tại tôi có mở thêm 1 số lớp bồi dưỡng văn hóa cho học sinh yếu các khối tiểu học. Và tôi muốn nhờ tư vấn một số vấn đề sau: Hiện tại có giáo viên trên địa bàn huyện nhưng khác xã nơi tôi hoạt động có nhu cầu ký hợp đồng liên kết với tôi để họ mở trung tâm dạy tại nhà (cơ sở vật chất đầy đủ khoảng 4 phòng học), Vậy tôi muốn hỏi khi tôi ký hợp đồng liên kết tôi có phải tới sở kế hoạch đầu tư để báo, hay có phải lập báo cáo cho bên thuế hay không? Khi ký hợp đồng liên kết bên kia cần phải có giấy tờ gì? Các vấn đề liên quan tới pháp lý, có phải đăng bản tại nơi mở lớp. Việc mở lớp dạy với hình thức là doanh nghiệp tôi chiêu sinh rồi thuê giáo viên dạy. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Trước hết, theo khoản 2 Điều 4 quy định về học thêm, dạy thêm Ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì:
"Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Theo đó trường hợp bạn muốn mở lớp đạy văn hóa cho học sinh tiểu học thì sẽ không được phép nhưng bạn có thể bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.Nếu bạn muốn mở lớp dạy thêm về lĩnh vực đó thì có thể tham khảo các điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục… tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được quy định chi tiết tại thông tư 17/2012/TT-BGDĐT."
Cụ thể:
Người dạy thêm hoặc người tổ chức dạy thêm phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của luật Giáo dục (LGD) – cụ thể trong trường hợp này là phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm (điểm a khoản 1 điều 77 LGD); có đủ sức khỏe; có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao của cơ quan công tác; không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự… (có xác nhận của thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã); đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập phải được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép nếu nhận dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa;
Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Quyết định số1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ Y tế về vệ sinh trường học và Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trong đó có các yêu cầu tối thiểu:
1. Địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở.
2. Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh.
3. Kích thước bàn, ghế học sinh và bố trí bàn, ghế học sinh trong phòng học đảm bảo các yêu cầu tại Thông tư liên tịch số.
4. Bảng học được chống lóa; kích thước, màu sắc, cách treo bảng học đảm bảo các yêu cầu tại Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT.
5. Có công trình vệ sinh và có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh.
* Về trình tự, hồ sơ thủ tục, để mở lớp dạy thêm:
Trước hết bạn phải làm làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (chi tiết thủ tục theo quy định từ điều 19 đến điều 22 5019/VBHN-BKHDT ngày 04 tháng 8 năm 2014 tùy vào loại hình doanh nghiệp mà bạn lựa chọn). Sau đó bạn làm hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (khoản 2 điều 12 quy định về học thêm, dạy thêm Ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT). Hồ sơ bao gồm:
1- Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
2- Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
3- Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm (có xác nhận của thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao của cơ quan công tác; không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự…; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập phải được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép nếu nhận dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa;
4- Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
5- Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
6- Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm :
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo
Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ
Thời hạn của giấy phép: 24 tháng/ trước khi hết hạn 1 tháng phải tiến hành thủ tục gia hạn nếu có nhu cầu. Thủ tục gia hạn tương tự như thủ tục cấp mới
Trân trọng!
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.