Luật sư tư vấn về Logo công ty
17/07/2017 16:14
Luật sư tư vấn về Logo công ty
Giám đốc công ty tôi là người Hàn Quốc, có mở công ty riêng bên Hàn Quốc và nay mở thêm 1 công ty ở Việt Nam. Như vậy về mặt pháp lý 2 công ty này là độc lập, không phải công ty mẹ, công ty con, chỉ là thuộc sở hữu của cùng 1 người. Công ty bên Hàn Quốc đã có thương hiệu và Logo riêng. Vì muốn quảng bá thương hiệu này ở Việt Nam nên Giám đốc muốn sử dụng luôn Logo này cho công ty Việt Nam.Tôi muốn hỏi: công ty tôi có vi phạm luật gì không? Nếu sử dụng thì có bị phạt không? (Bùi Văn Thanh - Hải Dương)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Khoản 1Điều 141 LSHTT Quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
"1. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình"
Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bên Hàn Quốc và công ty bên Việt Nam là hai công ty độc lập, không phải công ty mẹ, công ty con. Bạn cung cấp thông tin rằng, Giám đốc công ty bạn mở công ty bên hàn quốc. Như vậy, công ty bên Hàn Quốc chưa thể khẳng định là chỉ một chủ sở hữu tức chỉ có Giám đốc của bạn là chủ sở hữu. Do đó, trường hợp công ty bên Việt Nam muốn sử dụng logo của công ty bên Hàn Quốc là sự thỏa thuận giữa hai công ty và phải tuân theo nhưunxg điều kiện pháp luật quy định.Công ty tại Việt Nam có thể sử dụng nhãn hiệu (logo) của công ty bên Hàn Quốc thông qua hình thức chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu và phải đảm bảo các điều kiện sau:
* Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
- Thành lập bằng văn bản (khoản 2 Điều 141 Luật sở hữu trí tuệ)
- Các dạng hợp đồng: (Điều 143 LSHTT):
Điều 143. Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
"Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây:
1. Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
2. Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;
3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác"
- Nội dung hợp đồng: (khoản 1 Điều 144 LSHTT)
"+ Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
+ Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
+ Dạng hợp đồng;
+ Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
+ Thời hạn hợp đồng;
+ Giá chuyển giao quyền sử dụng;
+ Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền."
* Các trường hợp hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu (Điều 142 LSHT):
"-Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó
-Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu"
Như vậy, khi hai công ty thực hiện hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu theo quy định của pháp luật thì không vi phạm pháp luật. Trong trường hợp, không thực hiện hợp đồng thì theo khoản 1 Điều 129 LSHTT thì hành vi sử dụng logo là hành vi vi phạm pháp luật.
"1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng"
* Xử phạt trong trường hợp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Điều 11 Nghị định 99/2013 quy định
"Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:
a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
9. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
10. Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.
11. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
12. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 500.000.000 đồng.
13. Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại lên hàng hóa;
c) Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp;
d) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.
14. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp quy định tại Khoản 1 và Khoản 13 Điều này trong trường hợp không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
15. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
16. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này.
17. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này;
d) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này"
Vậy phụ thuộc vào giá trị của logo là bao nhiêu, nếu công ty bên Việt Nam vi phạm thì sẽ xử phạt theo mức đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Luật sư tư vấn về Logo công ty”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.