Khởi kiện khi một bên trong hợp đồng không giao hàng đúng thời hạn?
19/07/2017 15:51Khởi kiện khi một bên trong hợp đồng không giao hàng đúng thời hạn? Ngày 14.07.2015, công ty chúng tôi có ký hợp đồng với nhà xuất khẩu B để mua bán mặt hàng bò thịt sống nguyên con. Theo điều kiện thanh toán của hợp đồng, công ty chúng tôi đã thanh toán đặt cọc USD 600.000,00 sau khi ký hợp đồng. Công ty đã nhiều lần hối thúc giao hàng hoặc hoàn trả khoản đặt cọc nhưng phía nhà xuất khẩu vẫn không giải quyết. Đến ngày 20.05.2016, nhà xuất khẩu có chuyển cho chúng tôi USD 100.000,00. Tuy nhiên cho đến nay, nhà xuất khẩu vẫn chưa giao hàng cho công ty chúng tôi hoặc hoàn trả khoản đặt cọc còn lại là USD 500.000,00 như thỏa thuận. Vì vậy, tôi gửi mail này nhờ luật sư tư vấn và tìm hướng giải quyết giúp công ty chúng tôi vấn đề trên. Mọi chi phí liên quan đến việc khởi kiện này chúng tôi sẽ sẵn sàng. Mong luật sư sớm phản hồi hoặc liên hệ để công ty chúng tôi trao đổi sâu hơn về tình hình hiện tại. Trân trọng kính chào. (ninhbeodeptrai@gmail.com)
Về việc một bên trong hợp đồng không giao hàng đúng thời hạn, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác."
Như vậy, trường hợp của bạn, công ty bạn đã giao kết hợp đồng đặt cọc với công ty xuất khẩu để nhập khẩu thịt bò sống nguyên con. Công ty bạn đã đặt cọc USD 600.000,00 sau khi ký hợp đồng nhưng bạn không nói thời hạn giao hàng là khi nào. Khoản 3 Điều 278 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý". Theo như bạn cung cấp thông tin, tàu khởi hành từ Úc ngày 28.07.2015, trong khi đó, Công ty bạn đã nhiều lần hối thúc giao hàng hoặc hoàn trả khoản đặt cọc nhưng phía nhà xuất khẩu vẫn không giải quyết nên chúng tôi có thể hiểu, bên công ty B đã vi phạm thời hạn giao hàng. Đến ngày 20.05.2016, nhà xuất khẩu có chuyển cho công ty bạn USD 100.000,00. Tuy nhiên cho đến nay, ngày 24/10/2016 nhà xuất khẩu vẫn chưa giao hàng cho công ty bạn hoặc hoàn trả khoản đặt cọc còn lại là USD 500.000,00 như thỏa thuận. Theo quy định về đặt cọc, bên công ty B đã không thực hiện hợp đồng giao kết thì phải trả cho công ty bạn số tiền công ty bạn đã đặt cọc và phải trả thêm USD 600.000,00.
Để đảm bảo quyền lợi của công ty mình, công ty bạn có quyền khởi kiện công ty B về hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa đến Tòa án nhân dân nơi 02 bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp được xác định trong hợp đồng, hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi công ty bạn đặt trụ sở, Tòa án của nước mà phía công ty bị đơn đặt trụ sở.
Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Trường hợp của công ty bạn, công ty xuất khẩu không giao hàng cho công ty bạn theo yêu cầu của hợp đồng. Công ty đã nhiều lần hối thúc giao hàng hoặc hoàn trả khoản đặt cọc nhưng phía nhà xuất khẩu vẫn không giải quyết. Đến ngày 20.05.2016, nhà xuất khẩu có chuyển cho công ty bạn USD 100.000,00. Tuy nhiên cho đến nay, nhà xuất khẩu vẫn chưa giao hàng cho công ty bạn hoặc hoàn trả khoản đặt cọc còn lại là USD 500.000,00 như thỏa thuận. Hành vi khách quan cấu thành tội lừa đảo là phải có hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Công ty xuất khẩu giao kết hợp đồng với công ty bạn và không giao hàng theo thỏa thuận hay hoàn trả tiền đặt cọc theo yêu cầu dù công ty bạn đã yêu cầu nhiều lần. Nếu bạn có đủ chứng cứ chứng minh công ty xuất khẩu lừa đảo thì bạn có quyền khởi kiện người đứng đầu công ty về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ luât Hình sự chỉ áp dụng hình phạt đối với cá nhân, không áp dụng khởi kiện hình sự đối với tổ chức nên công ty bạn phải khởi kiện người đứng đầu công ty xuất khẩu hoặc người giao kết hợp đồng với công ty bạn. Nếu bạn không có căn cứ chứng minh công ty xuất khẩu lừa đảo thì công ty bạn có quyền khởi kiện công ty xuất khẩu về hành vi vi phạm hợp đồng theo tư vấn trên của chúng tôi.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Khởi kiện khi một bên trong hợp đồng không giao hàng đúng thời hạn?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!