Hình thức góp vốn bằng tài sản vào công ty trong quá trình hoạt động?
16/03/2017 16:15Thưa luật sư! Xin luật sư tư vấn: Tôi có công ty TNHH có 03 thành viên, trong đó có một người đại diện làm giám đốc. 1.Trước đây 03 người này mua xe đứng tên cá nhân, giờ thành lập công ty muốn đưa 03 chiếc xe này vào công ty để cho thuê xuất hóa đơn cho thuê. Vậy thủ tục phải làm như thế nào? Có cần chuyển tên giấy tờ xe sang tên công ty không? Hay chỉ cần làm biên bản chứng nhận góp vốn, tài sản này có được khấu hao tài sản không. Nếu công ty không cần khấu hao của tài sản đó thì có sao? (Góp vốn này trong quá trình hoạt động, không phải góp để thành lập) 2. Một cá nhân không kinh doanh, nhưng muốn góp 1 chiếc xe vào công ty tôi để bên tôi cho thuê, vậy thủ tục như thế nào? Tài sản của cá nhân này có được khấu hao không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về tài sản là 03 chiếc xe mà 03 anh muốn góp vào công ty:
Theo khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
"13. Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập."
Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về tài sản góp vốn như sau:
"Điều 35. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn."
Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
"Điều 36. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;
c) Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
2. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
3. Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản."
Như vậy, cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng tài sản là xe theo Điều lệ công ty để tạo thành vốn của công ty. Thủ tục này bao gồm 2 giai đoạn sau:
- Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ người góp vốn sang tên công ty
- Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: tăng vốn điều lệ.
Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là ô tô từ người góp vốn sang tên công ty
Để tiến hành chuyển quyền sở hữu chiếc xe này, phải chuẩn bị:
- Hợp đồng góp vốn (hoặc Biên bản góp vốn) giữa người góp vốn và Công ty bằng giá trị xe;
- Lập Biên bản thỏa thuận giữa người góp vốn (chủ sở hữu) và doanh nghiệp (đối với Công ty TNHH 1 thành viên); Biên bản họp Hội đồng thành viên(đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Hợp danh), Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị (đối với Công ty Cổ phần) để tiến hành định giá tài sản góp vốn (ô tô); hoặc Biên bản thỏa thuận định giá giữa Tổ chức chuyên nghiệp định giá và Doanh nghiệp;
- Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) nơi người đang sử dụng xe thường trú;
- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định;
(Chú ý: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014 thì việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; tuy nhiên vẫn phải tiến hành làm chứng từ theo quy định tại Cơ quan Thuế.)
- Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp đăng ký sang tên xe khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì phải mang theo biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe);
- Bản sao Giấy CMND (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực của người góp vốn; Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp của Doanh nghiệp và Giấy chứng nhận mẫu dấu của Doanh nghiệp.
Khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như trên, người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký sang tên xe mang tên Công ty tại Cơ quan Đăng ký xe (Cảnh sát giao thông).
Lưu ý: Trong trường hợp không phải người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp trực tiếp đến làm việc thì phải có Giấy giới thiệu hoặc Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật của người đại diện theo pháp luật.
- Cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn cho người sử dụng xe.
- Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe phải giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký mang tên Công ty.
Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: tăng vốn điều lệ
Sau khi hoàn thành thủ tục để đăng ký sang tên xe từ người góp vốn sang tên Công ty, Công ty phải tiến hành đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể trong trường hợp này phải bổ sung Vốn điều lệ.
Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp:
Thành phần, số lượng hồ sơ:
Thành phần hồ sơ:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
- Quyết định bằng văn bản và bản sao Biên bản họp của Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên), của Đại hội đồng cổ đông (đối với Công ty Cổ phần) và của các thành viên hợp danh đối với Công ty Hợp danh; Quyết định của Chủ sở hữu công ty đối với Công ty TNHH 1 thành viên. Quyết định, Biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi (cụ thể: tăng vốn điều lệ);
- Hợp đồng góp vốn (hoặc Biên bản góp vốn) giữa người góp vốn và Công ty bằng giá trị xe;
- Biên bản định giá đối với tài sản là xe;
- Các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo tướng ứng với việc thay đổi nội dung đăng ký:
+ Bản sao Điều lệ đã sửa đổi của Doanh nghiệp: Nội dung về Vốn điều lệ, cách thức Tăng vốn điều lệ và Hình thức góp vốn vào Công ty;
+ Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
+ Bản chính hoặc Bản sao có công chứng, chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiều (còn hiệu lực) của người đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ.
Lưu ý: Nếu không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nhận kết quả thì phải có Giấy giới thiệu hoặc Giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật của người đại diện theo pháp luật cho người đến nhận kết quả.
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:
- Cá nhân, tổ chức: nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận-hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ.
- Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy hẹn cho công dân, tổ chức.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ:
- Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết.
- Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và chuyển cho Bộ phận một cửa để trả cho công dân, doanh nghiệp.
Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ:
- Công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa”
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giấy tờ hợp lệ
Phí, lệ phí:
+ Lệ phí nộp Hồ sơ: 200.000 VNĐ
+ Lệ phí đăng công bố trên cổng thông tin điện tử quốc gia: 300.000 VNĐ
Kết quả giải quyết: Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp.
Về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:
"Điều 3. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:
1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.
Đối với súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một TSCĐ hữu hình.
Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của TSCĐ được coi là một TSCĐ hữu hình.
2. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình:
Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.
Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau:
a) Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;
b) Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;
c) Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;
d) Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;
đ) Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;
e) Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;
g) Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.
3. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.
4. Đối với các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ đã ban hành trước Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo phương pháp tài sản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo qui định thì thực hiện phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 138/2012/TT-BTC ngày 20/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh đối với công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước."
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.