Đã có đại lý độc quyền có được bán hàng của hãng không?
15/03/2017 17:14Thưa luật sư! Tôi đọc trên web của công ty luật bên mình thấy tư vấn về vấn đề đại lý. Hiện công ty tôi gặp vấn đề là: Mua hàng TB của 1 hãng ở châu Âu từ 1 công ty ở Châu Âu về bán ở VN (hàng hóa nhập khẩu có chứng từ và đóng thuế). Sau 1 thời gian thì biết được ở VN, hãng này đã có đại lý độc quyền rồi. Các website bên nước ngoài bán online về VN mặt hàng này cũng rất nhiều. Luật sư cho tôi hỏi: - Theo luật việc kinh doanh mặt hàng này của công ty tôi có vi phạm pháp luật không ? - Tình huống công ty tôi vi phạm thì luật sẽ xử lý như thế nào ? Hàng hóa trong cty tôi hiện còn khá nhiều, pháp luật sẽ xử lý hàng hóa này như thế nào ? Tịch thu , ... ? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư !
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
Theo thông tin bạn cung cấp, sản phẩm mà bạn đang kinh doanh tại Việt Nam đã có đại lý độc quyền, tức là bên phía giao đại lý không được phép giao hàng cho bên khác tại khu vực đã có đại lý độc quyền.
Quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý được quy định tại điều 172 và điều 173 Luật Thương mại 2005:
“Điều 172. Quyền của bên giao đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:
1. ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;
2. Ấn định giá giao đại lý;
3. Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
4. Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.
Điều 173. Nghĩa vụ của bên giao đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
2. Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;
3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;
4. Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
5. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.”
Về quyền và nghĩa vụ của bên đại lý được quy định tại Điều 174 và 175 Luật Thương mại 2005:
“Điều 174. Quyền của bên đại lý
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:
1. Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật này;
2. Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
3. Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
4. Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;
5. Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
5. Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.”
Theo những quy định trên, nếu trong hợp đồng đại lý không có thỏa thuận khác về việc không cho phép hãng trực tiếp bán hàng của mình trên vùng của đại lý độc quyền thì việc bạn mua hàng của bên nào đều không vi phạm pháp luật. Bởi luật chỉ hạn chế khả năng một đại lý thứ hai ngoài đại lý độc quyền cùng bán một loại hàng hóa, cung ứng một loại dịch vụ của bên giao đại lý trong phạm vi lãnh thổ độc quyền, tuy nhiên lại không hạn chế chính bên giao đại lý trực tiếp mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc bán hàng hóa cho nhà phân phối, nhà bán lẻ khác. Do đó việc bạn kinh doanh mặt hàng đã có đại lý độc quyền hoàn toàn không vi phạm pháp luật, chỉ cần bạn đáp ứng đầy đủ các thủ tục, điều kiện về đăng ký kinh doanh và không có hợp đồng đại lý với bên cung ứng sản phẩm (bạn phải chứng minh được bạn là nhà bán lẻ).
Cùng với đó thì hàng hóa mà bạn đã nhập về theo đúng luật định bạn vẫn tiếp tục được kinh doanh mà không bị tịch thu, kê biên hay có bất kỳ chế tài nào bị áp dụng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.