Công ty Giải thể hay phá sản có được hưởng chế độ thai sản không???
11/03/2017 09:25Sau khi nghỉ sinh em đã đi làm lại được một tháng nhưng công ty chưa chi trả tiền thai sản, công ty có cho rằng đang nợ tiền bên bảo hiểm xã hội nên chưa thanh toán được , giờ em phải làm sao để được nhận tiền, nếu công ty bị giải thể hay phá sản e có đươc giải quyết tiền thai sản không? (Hồ Thụ - Khánh Hòa)
Trả lời: Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31Luật bảo hiểm xã hội 2014như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con".
Do đó, trong trường hợp của bạn thì bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng được hai điều kiện là lao động nữ sinh con và đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặctừ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con trong trường hợp Khoản 3 Điều 31 trên.
Thứ hai,về thủ tục hưởngchế độ thai sản: Bạn cần chuẩn bị hồ sơ để xin hưởng chế độ thai sản.
Hồ sơ bao gồm:
1. Sổ bảo hiểm xã hội
2. Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con
3. Đơn của người lao động nữ sinh con
Thứ ba, nếu công ty bị phá sản thì bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản. Cụ thể, căn cứ theo quy định của khoản 1 Điều 54 Luật phá sản 2014 về thứ tự phân chia tài sản như sau:
"1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ".
Tuy nhiên, trường hợp công ty nợ bảo hiểm xã hội thì việc yêu cầu công ty thanh toán khoản nợ BHXH trong trường hợp công ty bị giải thể hoắc phá sản sẽ rất khó khăn. TạiCông văn số 2266/BHXT-BT về việc giải quyết vướng mắc về thu, xác nhận sổ BHXH quy định:
"a) Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động
b) Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết".
Trân trọng!