Có phải hoàn vốn kinh doanh cho người góp vốn khi mà làm ăn thua lỗ?
12/05/2017 23:04
Xin chào luật sư! Tôi có một việc cần hỏi ý kiến luật sư như sau, mong luật sư bớt chút thời gian quý giá của mình giúp đỡ tôi giải quyết vấn đề. Tôi rất biết ơn: Vừa qua, với ý định mở sân patin, tôi có mời một người bạn góp vốn, số vốn là 20 triệu đồng, tôi bỏ ra 10 triệu đồng để đặt tiền cọc thuê sân. Người đứng ra viết giấy biên nhận tiền của bạn tôi đứng tên tôi, người viết giấy đặt cọc là vợ tôi.
Nội dung giấy biên nhận như sau "...(bỏ qua phần họ tên) Hôm nay ngày 22 tháng 4 năm 2013 tôi có nhận của anh Lê Duy Thiện 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng chẵn) để hợp tác kinh doanh. Trong thời gian kinh doanh 2 bên sẽ cùng nhau bàn bạc sử dụng số vốn trên. Trong trường hợp anh Thiện muốn rút vốn kinh doanh thì phải thông báo trước trong vòng 06 tháng."
Sau đó vì thủ tục thuê sân quá lâu, tôi và Thiện quyết định sẽ không thuê sân nữa. Khi đó đơn vị thuê sân cũng không trả lại tiền đặt cọc nữa. Như vậy số vốn đặt cọc ban đầu là 30 triệu không được hoàn trả. Hiện tại Anh Thiện cho rằng tôi phải có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ cho anh số tiền 20 triệu đó. Vậy theo Luật sư tôi phải giải quyết như thế nào là đúng ạ? Kính mong luật sư giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, chúng tôi xác định việc anh đặt trước 30.000.000 đồng cho đơn vị cho thuê sân để thuê sân patin là giao dịch đặt cọc để bảo đảm việc giao kết và thực hiện hợp đồng thuê tài sản. Do sau đó các anh lại không thuê sân nữa nên đã vi phạm nghĩa vụ giao kết hợp đồng.
Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau: “Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Như vậy nếu giữa bạn và đơn vị thuê sân không có thỏa thuận khác thì việc đơn vi thuê sân không trả lại số tiền 30.000.000 cho bạn là không vi phạm quy định của pháp luật.
Vấn đề cần phải xác định là khi giao kết giao dịch đặt cọc, bên đặt cọc chỉ ghi tên của anh hay ghi cả tên của anh Thiện. Nếu chỉ ghi tên anh thì rất khó để xác định việc đặt cọc để thuê sân có phải là sự bàn bạc, thống nhất giữa hai anh hay chỉ là ý chí đơn phương của mình anh. Như vậy, nếu muốn rút lại số vốn kinh doanh, anh Thiện chỉ cần báo trước 06 tháng là hoàn toàn không vi phạm sự thỏa thuận ban đầu của hai người.
Vì vậy, trong trường hợp này anh phải chứng minh được anh và anh Thiện đã có sự bàn bạc thống nhất khi quyết định thuê sân. Nếu chứng minh được, hai anh phải chịu trách nhiệm trên tỷ lệ phần vốn góp của mỗi người, anh không có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền trên cho anh Thiện.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.