Có được phép sáp nhập các công ty khác loại không?
25/10/2016 16:26Tôi là chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên, bạn tôi là giám đốc của một Công ty Cổ phần cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Công ty tôi đang gặp khó khăn về vốn để sản xuất, tuy nhiên về phần nhân sự thì công ty tôi có lực lượng nhân công rất lành nghề. Công ty bạn tôi thì ngược lại vì có nguồn vốn tốt nhưng phần nhân sự chưa ổn định. Để có thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh, chúng tôi dự định sẽ tập trung đầu tư vào Công ty Cổ phần của bạn tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đang băn khoăn vì không biết pháp luật có cho hai công ty khác loại hình là Công ty TNHH một thành viên và Công ty Cổ phần được sáp nhập vào nhau hay không ? Nếu được thì chúng tôi phải thực hiện những thủ tục gì và phải thực hiện đăng ký kinh doanh như thế nào? (Nguyễn Đức Hùng – Biên Hòa, Đồng Nai)
Về việc sáp nhập hai Công ty khác loại:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Luật Doanh Nghiệp năm 2014 thì:
“Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.”
Như vậy, pháp luật doanh nghiệp hiện hành cho phép các công ty khác loại có thể sáp nhập vào nhau. Do đó, việc Công ty TNHH một thành viên mà bạn làm chủ sở hữu và Công ty cổ phần của bạn bạn được sáp nhập với nhau. Khi sáp nhập thì các công ty nhận sáp nhập sẽ nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp từ công ty bị sáp nhập, đồng thời Công ty bị sáp nhập sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình.
Về thủ tục sáp nhập Công ty
Để có thể sáp nhập Công ty TNHH một thành viên vào Công ty cổ phần, cần làm những thủ tục sau:
- Chuẩn bị Hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ Công ty Cổ phần nhận sáp nhập: Trong hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của Công ty nhận sáp nhập; tên địa chỉ trụ sở chính của Công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của Công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập.
Đối với Điều lệ Công ty Cổ phần nhận sáp nhập thì sẽ được soạn thảo cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thỏa thuận giữa bên sáp nhập và bên nhận sáp nhập.
- Tiếp theo, các thành viên, chủ sở hữu công ty, cổ đông của hai Công ty thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ Công ty sáp nhập, hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua.
- Tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định tại khoản 4 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:
“4. Hồ sơ, trình tự đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật này và phải kèm theo bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Hợp đồng sáp nhập;
b) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
c) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập.”
Như vậy, Công ty nhận sáp nhập là Công ty cổ phần nên hồ sơ và trình tự đăng ký doanh nghiệp Công ty nhận sáp nhập sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật doanh nghiệp về Công ty cổ phần. Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần (công ty nhận sáp nhập) như sau:
- Giấy đề nghị Đăng ký doanh nghiệp.
- Dự thảo Điều lệ Công ty.
- Danh sách cổ đông sáng lập.
- Bảo sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực: Giấy CMND còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân. Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp/ Quyết định thành lập đối với tổ chức, kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định ủy quyền của Người đại diện theo ủy quyền của tổ chức;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Số lượng Hồ sơ 01 bộ.
Sau khi hoàn thành hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư nơi dự định đặt trụ sở chính của Công ty (Khoản 1 Điều 27 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp (Khoản 1, 2 Điều 28 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).
Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo (Khoản 3 Điều 28 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).
Sau khi sáp nhập, Công ty Cổ phần nhận sáp nhập sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản của Công ty TNHH một thành viên.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Công ty Luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty Luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.