Có được hạch toán doanh thu khi bị khống chế hóa đơn hay không?
18/07/2017 13:31
Có được hạch toán doanh thu khi bị khống chế hóa đơn?
Đơn vị bị khống chế hóa đơn năm 2015 do chưa nộp hết các khoản thuế. Bây giờ không được xuất hóa đơn, mà tiền doanh thu khách hàng trả vẫn có. Vậy xin hỏi đơn vị chúng tôi có được hạch toán doanh thu không, hạch toán như thế nào để làm báo cáo tài chính năm 2015? (Giang Thu - Bắc Giang)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định: "trong thời gian doanh nghiệp bị cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì doanh nghiệp không được xuất hoá đơn trong thời gian này. Nếu doanh nghiệp tự khắc phục nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước thì cơ quan thuế sẽ có thông báo hoá đơn tiếp tục có giá trị sử dụng".
Do hạch toán doanh thu cần có hóa đơn có giá trị. Để hóa đơn có giá trị,đơn vị của bạn cần nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước để cơ quan thuế xem xét và có thông báo hóa đơn có giá trị sử dụng. Lúc này, đơn vị của bạn thực hiện hạch toán và lập báo cáo tài chính như bình thường.
Trường hợp đơn vị của bạn không thể thực hiện ngay nghĩa vụ nộp thuế thì theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư số 156/2013/TT-BTC,doanh nghiệp được nộp dần tiền thuế nợ tối đa không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế,nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Cơ quan thuế đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhưng người nộp thuế không có khả năng nộp đủ trong một lần số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế (sau đây gọi tắt là tiền thuế).
- Có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng và phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
- Thư bảo lãnh của bên bảo lãnh với cơ quan thuế liên quan (bên nhận bảo lãnh) phải cam kết sẽ thực hiện nộp thay toàn bộ tiền thuế được bảo lãnh cho người nộp thuế (bên được bảo lãnh) ngay khi người nộp thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định tại Điều này.
- Người nộp thuế phải cam kết chia đều số tiền thuế được bảo lãnh để nộp dần theo tháng, chậm nhất vào ngày cuối tháng.
Nếu doanh nghiệp của bạn đáp ứng đủ các điều kiện theo khoản 1 Điều 32 của Thông tư số 156/2013/TT-BTC, thì thời hạnnộp thuế được kéo dàitối đa không quá 12tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, hóa đơn của công ty bạn sẽ có giá trị sử dụngtrở lại nên đơn vị của bạn có thể hạch toán doanh thu và lập báo cáo tài chính như bình thường.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Có được hạch toán doanh thu khi bị khống chế hóa đơn? ”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng.!