Chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài theo quy định pháp luật
21/07/2017 11:37Chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài DN theo quy định pháp luật? mình vừa đổi loại hình doanh nghiệp từ TNHH 2 thành viên trở lên (100% vốn nc ngoài) sang Cổ phần với tỉ lệ vốn góp (mình là A 90%, ông B 7%, ông C (người nước ngoài) 3%) với thời gian < 1 tháng. Mình muốn hỏi, nếu mình thực hiện việc chuyển nhượng 75% số cổ phần của mình cho 1 doanh nghiệp nước ngoài khác có nhu cầu, thì việc chuyển nhượng có thực hiện được không?Công ty mình ko thực hiện bất kỳ giao dịch liên quan đến chứng khoán hay sàn chứng khoán (không phải là công ty đại chúng), loại hình cổ phần chỉ hoạt động kinh doanh thông thường. thì thuế suất phải nộp là bao nhiêu?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin mà bạn cung cấp, việc chuyển nhượng cổ phần của bạn không thực hiện qua hình thức giao dịch trên sàn chứng khoán, do đó, việc chuyển nhượng cổ phần thực hiện trên các hợp đồng chuyển nhượng. Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
"Điều 126. Chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng."
Theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông sáng lập của công ty cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong 3 năm kể từ khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình từ công ty TNHH sang công ty cổ phần thì khoản 1 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, doanh nghiệp của bạn chuyển đổi từ loại hình công ty TNHH sang công ty cổ phần nhưng không nêu rõ việc công ty có cổ đông sáng lập hay không. Bạn căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để xác định xem mình có phải là cổ đông sáng lập của công ty không. Nếu bạn là cổ đông sáng lập bạn sẽ phải chịu những hạn chế về việc chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông sáng lập quy định tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp.
Nếu bạn là cổ đông sáng lập thì trong trường hợp này (doanh nghiệp mới chuyển đổi loại hình được một tháng, tức là vẫn trong thời hạn 3 năm kể từ khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp), bạn chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho một doanh nghiệp nước ngoài khác nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, tức là quyền biểu quyết thuộc về 2 cổ đông còn lại của công ty bạn.
Nếu bạn không phải là cổ đông sáng lập, bạn được chuyển nhượng cổ phần tự do cho doanh nghiệp nước ngoài đó. Tuy nhiên, bạn lưu ý, để thực hiện việc mua bán cố phẩn, doanh nghiệp nước ngoài đó phải thực hiện các thủ tục về đăng ký góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật Đầu tư.
Trong trường hợp, bạn được thực hiện giao dịch chuyển nhượng cổ phần, thuế suất được áp dụng theo quy định của pháp luật Thuế. Theo quy định tại Điều 13 Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 5 Điều 2 Luật sửa đổi các luật về Thuế như sau:
"Điều 13. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn
1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần.
2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.”
Như vậy, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của bạn được xác định bằng giá chuyển nhượng cổ phần của bạn cho doanh nghiệp nước ngoài kia. Việc chuyển nhượng cổ phần của bạn được coi là chuyển nhượng chứng khoán không thông qua Sở giao dịch chứng khoán mà chuyển nhượng dựa trên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, do đó giá chứng khoán để tính thuế TNCN được xác định theo quy định tại điểm a.1.2 Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC:
" giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng."
Về thuế suất thuế thu nhập cá nhân, khoản b Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định: "Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần." và cách tính thuế như sau: thuế TNCN phải nộp = giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần * thuế suất 0.1%. Như vậy, cách hiểu của bạn về thuế suất và giá tính thuế TNCN là chính xác.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài theo quy định pháp luật”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!