Cần làm gì sau khi có giấy đăng ký kinh doanh?
10/03/2017 16:02Kính chào Luật sư. Hiện Công ty bên em đã thành lập được 10 tháng. Nhưng trong 10 tháng qua không phát sinh hoạt động (có đầu vào, không có đầu ra) nên hoàn toàn chưa có Thủ tục hành chính nào mà mới chỉ có Giấy ĐKKD (Công ty Cổ phần), Sắp tới bên em bắt đầu hoạt động. Vậy xin phép cho em hỏi, em cần phải bổ sung những Thủ tục gì? (Đăng ký Nội quy lao động, Đăng ký Thang bảng lương, Đăng ký sử dụng lao động, Đăng ký BHXH, Hợp đồng lao động .....?). Trong Giấy ĐKKD bên em có ngành Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại (82300), vậy giờ bên em muốn hoạt động lĩnh vực Tổ chức sự kiện thì không cần phải đăng ký thêm đúng không ạ? Và muốn đăng ký thêm làm Đại lý bán vé máy bay thì cần bổ sung thêm những giấy tờ gì?Xin Luật sư trả lời giúp em. Trân thành cảm ơn.
Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà công ty đã thực hiện hoạt động khai thuế thì công ty cần làm thêm những thủ tục sau:
- Ký kết hợp đồng với người lao động. Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2012 thì nội dung của hợp đồng bao gồm:
"Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.
3. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, thời tiết.
4. Nội dung của hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước do Chính phủ quy định"
- Đăng ký nội quy lao động: Thủ tục đăng ký nội quy lao động theo Điều 120 và Điều 121 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
"Điều 120. Đăng ký nội quy lao động
1. Người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.
Điều 121. Hồ sơ đăng ký nội quy lao động
Hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
1. Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
2. Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;
3. Biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
4. Nội quy lao động."
Vây, nếu công ty bạn sử dụng từ 10 người trở lên thi bạn phải làm hồ sơ như trên gửi đến phòng lao động, thương binh và xã hội đăng ký nội quy lao động.
- Đăng ký khai trình việc sử dụng lao động. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh của công ty, công ty phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng lao động- Thương binh và xã hội. Hồ sơ đăng ký khai trình việc sử dụng lao động.
+ Công văn đề nghị khai trình sử dụng lao động
+ Giấy đăng ký kinh doanh bản sao có công chứng
+ Mẫu khai trình việc sử dụng lao động của công ty khi bắt đầu hoạt động (hai bản): Theo mẫu 5 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH;
+ Hợp đồng lao động đã ký kết với Người lao động.
- Đăng ký thang bảng lương: Theo Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Doanh nghiệp phải tự xây dựng thang bảng lương để nộp cho sở Lao động thương binh và xã hội.
Hồ sơ xây dư thang bảng lương gồm:
+ Hệ thống thang bảng lương
+ Công văn xin đăng ký hệ thống thang bảng lương
+ Quyết định ban hành hệ thống thang bảng lương
+ Biên bản thông qua hệ thống thang bảng lương
+ Bảng quy định các tiêu chuẩn vè điều kiện áp dụng chức vụ
+ Quy chế tiền lương tiền thưởng, phụ cấp.
- Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội. Đơn vị sử dụng lao động có ký hợp đồng với người lao động từ 3 tháng trở lên không quy định số lượng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015. Công ty phải nộp hồ sơ gửi cơ quan BHXH để đăng ký bảo hiểm xã hội.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
1. Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập (bản sao), trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì nộp bản Hợp đồng lao động.
2. Quyết định xếp hạng doanh nghiệp (nếu có).
3. Thang, bảng lương (đã được đăng ký với cơ quan lao động).
4. Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển…
5. Mẫu 01 - TBH "Tờ khai tham gia BHXH, BHYT, BHTN" của người lao động do người lao động kê khai; trường hợp đã được cấp sổ BHXH thì không phải kê khai mà chỉ nộp số BHXH. Mẫu tờ khai ban hành kèm theo Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015
6. Mẫu số 02a-TBH: "Danh sách lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN". Mẫu tờ khai ban hành kèm theo Quyết định 959/QĐ-BHXH thu bảo hiểm xã hội y tế thất nghiệp quản lý sổ bảo hiểm thẻ bảo hiểm y tế 2015.
- Nếu bạn tổ chức sự kiện để hoạt động nhằm giới thiệu, xúc tiến thương mại hàng hoá thì công ty bạn đã đăng ký hoạt động tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại thì không cần đăng ký bổ sung ngành nghề. Nếu không nhằm giới thiệu, xúc tiến thương mại hàng hoá mà tổ chức sự kiện cho cá nhân, tổ chức khác thì phải thông báo bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh như sau:
"Điều 49. Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh
1. Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung Thông báo bao gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
b) Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
c) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,
Kèm theo Thông báo phải có Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.
2. Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, bổ sung, thay đổi thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
3. Trường hợp hồ sơ thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
4. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư."
- Muốn trở thành đại lý bán vé máy bay: Vì công ty bạn là hoạt động tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, việc bán máy bay không phải là hoạt động xúc tiến thương mại. Vậy muốn bán vé máy bay thì đầu tiên bạn phải thông bổ sung ngành nghề kinh doanh theo như trên trình bày. Tiếp theo là phải ký được hợp đồng đại lý với nhà sản xuất hoặc phân phối vé máy bay này.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính trong trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.