Cách tính thuế đối với hộ kinh doanh cá thể?
12/05/2017 15:32
Tôi có câu hỏi xin được tư vấn như sau: Giấy phép hộ kinh doanh cá thể tiệm nét ở vị trí phường 4, quận T, TP Hồ Chí Minh tiệm nét vốn đầu tư dưới 100tr. Hiện tại đã là 6 năm máy xuống cấp thì còn khoảng 30tr, Thuế Phường 4 quận T tính thuế khoán năm 2009 đến 2013 nộp thuế là 400.000/1tháng và môn bài hàng năm là 1tr từ năm 2014, thuế giá trị gia tăng phải đóng là 420.000/1tháng. Thu nhập cá nhân là 211.000/1tháng.
Năm 2015 lại tăng tiếp thuế giá trị gia tăng là 512.000/1tháng và Thu nhập cá nhân là 230.000/1tháng và năm 2016 lại tăng tiếp giá trị gia tăng 619000/1thang và thu nhập cá nhân là 247.000/1tháng. Thật sự mình không biết Thuế tính như thế nào mà mỗi năm lại mỗi tăng doanh thu của mình hiện tại 2016 đang thiết bị xuống cấp, doanh thu cũng xuống 1 tháng tống thu nhập chưa trừ là từ 22tr--28tr ( trừ tiền thuê nhà, nhân viên, điện, nước, mạng....trừ tất cả ) thì mình còn...từ 2tr8 đến 4tr ) mình là lao động chính trong gia đình ( 2 người già ngoài 60 tuổi, 1 vợ 2 con nhỏ ) và cho mình hỏi: mình đóng thuế như thế nào khi thu nhập 2016 là như vậy ? và cách tính thuế tiệm internet hộ kinh doanh cá thể như thế nào? thu nhập trên dưới 100tr/1nam là đã trừ chi phi chưa? thu nhập 1 tháng đã trừ tất cả chi phi thì phải đóng thuế như thế nào?. Xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về câu hỏi của bạn, Công ty luật Bảo Chính trả lời bạn như sau:
Thứ nhất, mức đóng thuế năm 2016
Căn cứ Văn bản hợp nhất 33/VBHN-BTC và Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thuế môn bài đối với hộ kinh doanh như sau:
Hộ gia đình trả thuế môn bài căn cứ trên thu nhập bình quân hàng tháng:
Thuế môn bài đối với hộ sản xuất kinh doanh cá thể, nhóm người lao động thuộc các cơ sở kinh doanh nhận khoán kinh doanh, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh trực thuộc CSKD hạch toán kinh tế độc lập hoặc trực thuộc chi nhánh hạch toán phụ thuộc được nộp theo thu nhập bình quân tháng như sau :
Bậc thuế | Mức thu nhập/ Tháng | Mức thuế phải đóng cả năm |
I | Trên 1.500.000 | 1.000.000 |
II | Trên 1.000.000 đến 1.500.000 | 750.000 |
III | Trên 750.000 đến 1.000.000 | 500.000 |
IV | Trên 500.000 đến 750.000 | 300.000 |
V | Trên 300.000 đến 500.000 | 100.000 |
VI | Dưới 300.000 | 50.000 |
Đối với thuế môn bài, năm 2016 gia đình bạn thu nhập từ 22 triệu đến 28 triệu, do đó mức thu nhập của bạn thuộc bậc thuế I, nên bạn phải đóng thuế môn bài cả năm là 1 triệu đồng.
Căn cứ quy định tại điều 2, Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:
" Điều 2. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
1. Nguyên tắc áp dụng
a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm. [...]
2. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
a) Doanh thu tính thuế
a.1) Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.
a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
b) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
b.1) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
- Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
b.2) Chi tiết danh mục ngành nghề để áp dụng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm Thông tư này.
b.3) Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
c) Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu tính thuế GTGT | x | Tỷ lệ thuế GTGT |
Số thuế TNCN phải nộp | = | Doanh thu tính thuế TNCN | x | Tỷ lệ thuế TNCN |
Trong đó:
- Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2 Điều này.
- Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.
d) Thời điểm xác định doanh thu tính thuế
d.1) Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.
d.2) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh.
d.3) Đối với doanh thu theo hoá đơn thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế thực hiện theo hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư này".
Như vậy, trường hợp này doanh thu của bạn là từ 22-28 triệu/ tháng tính theo 1 năm trung bình là lớn hơn 100 triệu do đó, bạn phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Thứ hai, chi phí
- Thuế thu nhập cá nhân: Căn cứ quy định tại điều 10, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi quy định:
Điều 10. Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh
1. Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế.
2. Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Thời điểm xác định doanh thu là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ.
3. Chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động;
b) Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài;
c) Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh;
d) Chi trả lãi tiền vay;
đ) Chi phí quản lý;
e) Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật được tính vào chi phí;
g) Các khoản chi phí khác liên quan đến việc tạo ra thu nhập. [...]"
Như vậy, trường hợp này thu nhập một tháng khi trừ các chi phí đi bạn còn 2tr 8 đến 4tr thì số tiền này sẽ được nhân với mức thuế suất để xác định số tiền phải nộp thuế.
Trường hợp của bạn là lao động chính có 2 người già và 2 con nhỏ là người phụ thuộc bạn có trách nhiệm nuôi dưỡng, áp dụng công thức tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không được áp dụng với trường hợp của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được tư vấn tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn vui lòng gọi 1900 6281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại...xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.